Vietstock - Sacombank thu hồi được nợ bằng tiền thật
“Xử lý nợ xấu triệt để là phải thu hồi được tiền. Mục tiêu của Sacombank là thu hồi được tiền thật” - ông DƯƠNG CÔNG MINH, Chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, khẳng định khi trả lời phỏng vấn dưới đây.
Ông Dương Công Minh.
|
TBKTSG: Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo chọn đơn vị thẩm định giá để thẩm định giá trị khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank. Việc này có liên quan gì đến Sacombank thưa ông?
- Ông DƯƠNG CÔNG MINH: Bản chất của vấn đề ở đây không phải là xiết nợ, mà khách hàng tình nguyện chuyển giao tài sản đảm bảo cho Sacombank để Sacombank chuyển giao cho VAMC. Khách hàng hiện không có nhu cầu phát triển dự án nữa và tự nhận thấy khoản vay này không trả được và họ cũng chưa có giải pháp xử lý.
Tôi nhấn mạnh, đối với nhóm công ty Hoàn Cầu, đây là khách hàng tự nguyện bán nợ chứ không phải ngân hàng xiết nợ. Khoản nợ đã được Sacombank bán cho VAMC và VAMC được quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu.
TBKTSG: Nếu được VAMC xử lý theo giá thị trường, liệu tài sản thế chấp trên có đủ để thu hồi nợ cho Sacombank?
- Chúng tôi đã đánh giá sơ bộ, khả năng là thu hồi cả nợ gốc lẫn lãi. Việc xử lý tài sản đảm bảo cần có sự đồng thuận của khách hàng. Nghĩa là, VAMC, ngân hàng và khách hàng đều phải đồng thuận xử lý.
TBKTSG: Ông có thể cho biết dự kiến năm nay Sacombank sẽ bán cho VAMC bao nhiêu nợ tất cả?
- Theo đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chúng tôi dự kiến bán khoảng 17.000 tỉ đồng. Đây là những khoản nợ có khả năng thu hồi. Sau khi bán, Sacombank sẽ tiếp tục phối hợp với VAMC để xử lý nhằm thu được tiền thật.
Trong số nợ dự kiến bán, có một số khoản có giá trị tương đối lớn và tất nhiên giá trị tài sản đảm bảo đi kèm cũng lớn. Nếu giải quyết được tài sản đảm bảo, các khoản vay này có thể thu hồi được hàng ngàn tỉ đồng.
Chúng tôi xác định rõ phải xử lý được tài sản thế chấp thì mới thu hồi được nợ bằng tiền thật cho ngân hàng. Đây cũng là mục tiêu của ban lãnh đạo mới. Còn bán nợ cho VAMC để lấy trái phiếu đặc biệt và trích lập dự phòng rủi ro hàng năm thì thu hồi nợ không thể nhanh được.
TBKTSG: Dường như ông đã nhìn thấy lối ra cho việc xử lý nợ tại Sacombank?
- Cái gốc vẫn phải xử lý dứt điểm tài sản đảm bảo. Trung tâm xử lý nợ của Sacombank đã tổng hợp, xem xét, đánh giá lại từng khoản nợ. Về cơ bản, ngân hàng có khả năng thu hồi đủ nợ gốc, còn lãi thì thu được một phần. Có những khoản thu được gốc và một phần lãi, có khoản thu được gốc hoặc cả gốc và lãi, tùy thuộc vào từng khoản vay và giá trị tài sản thế chấp của chúng.
TBKTSG: Đánh giá tổng hợp của Sacombank về tổng nợ xấu cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề nợ xấu của Sacombank khá lớn, trong khi sự hấp thụ của thị trường hiện nay có giới hạn, đòi hỏi ban lãnh đạo mới phải rất quyết liệt và dấn thân. Những tài sản chưa hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý, chiếm chừng 50% tổng số lượng tài sản thế chấp thì phải hoàn thiện mới giao dịch được, nên sẽ mất thời gian.
TBKTSG: Ông có nghĩ sự ấm lên của thị trường bất động sản vừa qua có tác động tích cực lên việc xử lý nợ không?
- Nhìn nhận thực tế tôi thấy thị trường bất động sản không tăng toàn bộ, mà tăng cục bộ ở từng khu vực, từng loại sản phẩm.
Khi đánh giá kĩ lại từng tài sản thế chấp, chúng tôi nhận thấy dư địa dôi ra của giá trị tài sản để đảm bảo thu hồi đủ nợ gốc và một phần lãi là có. Giá trị khoản vay nhìn chung tương đương 80% giá trị tài sản đảm bảo. Điều này không thể phủ định. Một khi thị trường bất động sản tốt lên sẽ thuận lợi cho ngân hàng.
Không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng có thể tham gia xử lý nợ xấu. Hiện nay, chỉ những doanh nghiệp quy mô, có thực lực triển khai dự án, bán được sản phẩm, sử dụng một phần vốn tự có, một phần vốn vay mới hỗ trợ được quá trình giao dịch tài sản thế chấp. Riêng Sacombank, đích đến cuối cùng phải là thu được tiền thật. Trường hợp khách hàng vào nhận nợ, khách hàng phải bỏ thêm vốn, đồng thời phải tính lãi cho phần nhận nợ thì mới lấy được tài sản ra để kinh doanh.
TBKTSG: Ông có vẻ tự tin. Hiện nay không phải cứ mang tài sản đảm bảo ra xử lý là xử lý được.
- Chúng tôi giao dịch theo giá thị trường và không tham vọng thu hồi được hết cả gốc và lãi. Quan trọng là thu hồi được nợ gốc và cố gắng thu được lãi ở mức tối đa. Phần lãi không thu được chúng tôi sẽ trích lập dự phòng theo từng năm và lấy lợi nhuận từ kinh doanh bù đắp.
Khi về Sacombank, tôi biết chất lượng tài sản ở đây có vấn đề. Giải pháp đầu tiên của chúng tôi là triệt tiêu không để nợ xấu xấu thêm. Cụ thể là làm một chốt chặn bên dưới cho nợ xấu. Những khoản nợ xấu phát sinh trước đây đều đã được chuyển về hội sở để xử lý. Ở các chi nhánh, phòng giao dịch bên dưới nếu xuất hiện nợ xấu là xử lý ngay, kể cả xử lý trách nhiệm của người, bộ phận gây ra nợ xấu.
Kế hoạch là mỗi năm phải cắt được một phần ba tổng nợ xấu từ năm 2017 và trong ba năm sẽ xử lý xong. Năm nay cắt được một phần ba nợ xấu thì sang năm sẽ không phải bỏ ra chi phí vốn (trả lãi huy động - NV) cho số nợ đó, đồng thời còn thu được lợi nhuận nhờ đem số tiền đáng lẽ dùng để giải quyết thanh khoản do nợ vào kinh doanh.
TBKTSG: Ông sẽ nói gì để thuyết phục thị trường về khả năng thu hồi 20.000 tỉ đồng nợ của Sacombank trong năm nay?
- Từ đầu năm đến nay Sacombank đã xử lý được gần 7.000 tỉ đồng nợ xấu. Ba tháng qua, những khoản nợ nào thế chấp bằng cổ phần, cổ phiếu, có thanh khoản giao dịch là ngân hàng xử lý ngay. Sắp tới phối hợp cùng với VAMC và nhóm công ty Hoàn Cầu, ngân hàng sẽ thu hồi được hơn 2.500 tỉ đồng. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tích cực thương lượng với một số đối tác để giao dịch tài sản thế chấp ở Long An và TPHCM của các khoản nợ khác, dự kiến thu được 9.000 tỉ đồng nữa.
Trước mắt chúng tôi tập trung xử lý nợ, song không vì thế mà lơ là kinh doanh. Các hoạt động lõi của Sacombank đang được đẩy mạnh, hiện tăng trưởng tốt và ổn định. Phần lớn lợi nhuận trích lập dự phòng rủi ro, nhưng chín tháng đầu năm Sacombank vẫn đạt 900 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Cả năm chúng tôi sẽ đạt lợi nhuận 1.200-1.300 tỉ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch đặt ra.
TBKTSG: Thị trường đang muốn biết Sacombank có thực sự chuyển động và chuyển động như thế nào kể từ đại hội đồng cổ đông cuối tháng 6-2017?
- Từ ngày 2-10-2017 Sacombank áp dụng mô hình tổ chức quản lý mới. Hội đồng quản trị điều hành ngân hàng qua các ủy ban. Các ủy ban quyết định tất cả các vấn đề của ngân hàng, ban điều hành chỉ thừa hành, tổ chức thực hiện.
Quy chế, quy trình nghiệp vụ cũng được cải tiến, phù hợp với thực tế hiện tại của Sacombank, ngành ngân hàng nói chung và tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi sắp xếp lại toàn bộ nhân sự từ ban điều hành, phân công, phân cấp đúng người đúng việc trên cơ sở không tuyển mới, chỉ bổ sung một số vị trí còn khuyết, cơ bản là người của Sacombank hiện hành.
Quan điểm nhất quán là sắp xếp sao cho phù hợp với năng lực làm việc. Những trường hợp không làm, làm không đúng, làm không có hiệu quả thì sẽ thay thế ngay, kể cả chấm dứt hợp đồng lao động.
TBKTSG: Từ ngày về Sacombank ông đã bao giờ trăn trở về quyết định ngồi ở vị trí chủ tịch hội đồng quản trị tại đây?
- Tôi thực sự không băn khoăn gì, công việc là công việc, cứ xốc tới và làm hết sức. Quan trọng là xây dựng được đội ngũ gắn kết, cùng một chí hướng, cùng nhìn về mục tiêu đưa Sacombank trở lại tốp những ngân hàng mạnh. Khi mới về đây, anh em toàn là những người lần đầu tôi được biết. Sau ba tháng làm việc, chúng tôi đã phần nào hiểu nhau, trở thành ê kíp làm việc tương đối hợp nhau, tất cả là người của Sacombank, không phân biệt người LienVietPostBank, Vietcombank, Phương Nam, hay Sacombank cũ nữa.
TBKTSG: Sacombank là một thách thức, đồng thời là một cơ hội cho những doanh nhân cả về mặt tổ chức và cá nhân. Ông có đồng ý với nhận định này?
- Sacombank có mạng lưới rộng nhất trong số các ngân hàng cổ phần, đấy là mối quan tâm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương trường. Kênh phân phối lớn dẫn tới thị phần lớn là ưu thế số một của Sacombank.
Thứ hai là quy mô tổng tài sản, quy mô tín dụng của Sacombank cũng lớn nhất khối ngân hàng cổ phần, bề nổi của Sacombank đẹp. Tất nhiên hiện tại bên trong nó còn vài điểm chưa ổn. Vai trò của ban lãnh đạo mới là làm cho nó ổn, chúng tôi tin là đang và sẽ làm được. Quy trình, quy chế đã có, chỉ còn vận hành. Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị là người kiến tạo, hỗ trợ, giám sát ban điều hành làm việc.
Cá nhân tôi khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với Sacombank, thể hiện ở chỗ tôi vẫn đang tiếp tục mua vào cổ phiếu theo quy định cho phép. Đấy là một sự đặt cược cụ thể và rõ ràng nhất.