Vietstock - Rủi ro ngân hàng: Không để quá khứ lặp lại?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng gần đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN về kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC. Điều này phần nào cho thấy nỗi lo của người đứng đầu ngành về nguy cơ các ngân hàng có thể đối mặt với nợ xấu trở lại.
Ăn vào tương lai?
Đáng lưu ý là trong văn bản chỉ đạo lần này, người đứng đầu ngành cũng yêu cầu các nhà băng phải thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi. Thực hiện thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN.
Về nguyên tắc, khi ngân hàng giải ngân cho một khoản vay, hệ thống sẽ bắt đầu dự thu lãi hàng ngày theo lãi suất thể hiện trên hợp đồng và phần lãi này sẽ tự động được tính vào kết quả thu nhập của ngân hàng, đồng thời trên bảng cân đối kế toán sẽ phát sinh một khoản lãi phải thu tương tự.
Khi đến kỳ đóng lãi, nếu khách hàng đóng lãi đầy đủ và đúng hạn, thì khoản lãi phải thu trên bảng cân đối kế toán sẽ giảm đi tương ứng và nguồn thu nhập lãi của ngân hàng là được hiện thực hóa. Ngược lại, trong trường hợp khách hàng phát sinh lãi, nợ gốc quá hạn, ngân hàng theo quy định buộc phải chuyển nhóm nợ, khi đó phần lãi phải thu và thu nhập trên kết quả kinh doanh sẽ phải giảm đi do hoạt động thoái thu lãi dự thu.
Vấn đề là trong nhiều trường hợp, nhiều nhà băng không thoái thu lãi dù chưa thu được lãi của khách hàng, do không chuyển nhóm nợ quá hạn theo đúng quy định, vì lo ngại thu nhập sụt giảm sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Hệ quả là dẫn đến việc dự thu lãi ảo, thu nhập không thật, nếu điều này kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến rủi ro tiềm ẩn lớn, mà theo thuật ngữ phân tích cho rằng ngân hàng đang ăn vào lợi nhuận trong tương lai.
Thực tế nhìn lại quá khứ những năm 2009 - 2011, lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt đỉnh cao nhưng trong đó không ít là các khoản lãi dự thu ảo, không thu được, khiến nhiều ngân hàng như ăn vào lợi nhuận trong tương lai. Để rồi sau đó bước vào giai đoạn tái cấu trúc, nhiều ngân hàng bắt đầu lộ ra hàng loạt vấn đề, trong đó nổi bật là nợ xấu không chuyển nhóm và chưa thoái thu lãi theo đúng quy định.
Tuy nhiên, việc phải thoái thu một khoản lãi dự thu dồn tích qua nhiều năm trong cùng một lúc là bất khả thi, vì sẽ không chỉ ảnh hưởng nặng nề lên kết quả lợi nhuận hiện tại của ngân hàng, mà còn là hình ảnh, uy tín và niềm tin của khách hàng lẫn cổ đông. Chính vì vậy mà trong nhiều Đề án tái cấu, cơ quan quản lý mới cho phép một vài nhà băng được phân bổ khoản lãi thoái thu này ra thành nhiều năm để không bị ảnh hưởng quá mạnh lên lợi nhuận, từng cho lộ trình phù hợp để xử lý những tồn đọng và hậu quả.
Không để quá khứ lặp lại
Trong 2 năm vừa qua, ngành ngân hàng lại tưng bừng báo lợi nhuận tăng gấp 2 đến gấp 3 lần, trong đó ngoài việc nguồn thu phi lãi tăng trưởng mạnh nhờ các hoạt động bán chéo sản phẩm, bancassurance hay thoái vốn các khoản đầu tư, thì tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của các ngân hàng, với nguồn thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Cụ thể trong giai đoạn 2015 - 2017, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đều duy trì ở mức cao từ 18 - 19%, trong đó cá biệt có những ngân hàng tăng trưởng lên đến 20 - 30%, giúp quy mô kinh doanh mở rộng mạnh mẽ và nguồn thu nhập lãi liên tiếp tăng trưởng mạnh. Đáng lưu ý là với sự chuyển dịch cơ cấu đẩy mạnh cho vay cá nhân, cho vay tiêu dùng với biên lợi suất cao hơn đã giúp nhiều ngân hàng tăng khả năng sinh lời đáng kể.
Trước kết quả đó, nhiều nhà băng đã thôi thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, mạnh tay chi thưởng cho cán bộ nhân viên, chia cổ tức cho cổ đông cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Tuy vậy, nỗi lo về nợ xấu rình rập quay quay trở lại là không thể loại trừ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều bất ổn như hiện nay, thị trường bất động sản "nóng sốt" suốt thời gian qua, cũng như hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng nóng ngoài tầm kiểm soát.
Cùng với đó, lo lắng về lãi dự thu ảo là có cơ sở, nếu như thời gian qua đã phát sinh nợ quá hạn, không thu được lãi của khách hàng nhưng các nhà băng vì muốn giữ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đẹp trên sổ sách nên e ngại và chần chừ không chuyển nhóm nợ và thoái thu đúng quy định. Chính vì vậy, yêu cầu của người đầu ngành ngân hàng gần đây là lời cảnh báo cần thiết để các ngân hàng cần đẩy nhanh xử lý các khoản vay có vấn đề nếu chưa chuyển nhóm, cũng như tăng cường thu lãi khách hàng hoặc không thu được thì phải thoái đúng quy định.
Như gần đây vào quý 4/2018, VietinBank trở thành ngân hàng đầu tiên đã mạnh tay xử lý những tồn động tại các khoản vay có vấn đề, theo đó ngân hàng này đã chuyển nợ một số khách hàng trong tháng 12/2018 và thoái 6,514 tỷ đồng lãi dự thu, giúp lãi phải thu trên bảng cân đối kế toán chỉ còn 6,905 tỷ đồng, giảm mạnh 7,618 tỷ đồng so với cuối năm 2017, dẫn đến thu lãi thuần quý 4/2018 chỉ đạt 572 tỷ đồng và làm lợi nhuận quý 4/2018 hạch toán âm 853 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là liệu còn bao nhiêu nhà băng đang hạch toán những khoản lãi dự thu ảo và chưa đủ mạnh tay thoái thu như VietinBank, ngoại trừ những nhà băng đã được xác định yếu kém. Rõ ràng VietinBank với nội lực tài chính mạnh mẽ và lợi nhuận hàng năm cao đủ sức xử lý thoái thu như trên, nhưng với những ngân hàng quy mô bé hơn hoặc lợi nhuận khiêm tốn thì việc mạnh tay xử lý các khoản lãi dự thu ảo trong một lúc rõ ràng là đầy thách thức.
Việc lợi nhuận quý 4 của VietinBank giảm mạnh cũng đã ảnh hưởng đáng kể kéo cổ phiếu ngân hàng này lao dốc suốt thời gian qua, và rớt về mức thấp đáng kể so với 2 ông lớn khác là Vietcombank (HM:CTG) và BIDV. Từ câu chuyện của VietinBank, rõ ràng nhà đầu tư cũng trở nên phân vân và nghi ngại hơn nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.
Trước kết quả đó, nhiều nhà băng đã thôi thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, mạnh tay chi thưởng cho cán bộ nhân viên, chia cổ tức cho cổ đông cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Tuy vậy, nỗi lo về nợ xấu rình rập quay quay trở lại là không thể loại trừ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều bất ổn như hiện nay, thị trường bất động sản "nóng sốt" suốt thời gian qua, cũng như hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng nóng ngoài tầm kiểm soát. |
Phan Thụy