Vietstock - Nữ "đại gia BOT" làm ăn tai tiếng
Công ty do nữ doanh nhân 8x Vũ Thị Hoan làm giám đốc tham gia hàng loạt dự án BOT và có quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp do Út "trọc" nắm giữ.
Ngày 30-12-2013, Tổng Công ty Cửu Long ký hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm đối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương giai đoạn 1 cho Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) với giá hợp đồng là 2.004 tỉ đồng, thời hạn thu phí 5 năm kể từ 0 giờ ngày 1-1-2014 đến 0 giờ ngày 1-1-2019.
Tham gia nhiều dự án lớn
Theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải thanh toán 2.004 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Công ty Yên Khánh dây dưa không thanh toán đủ tiền theo tiến độ đã ký kết.
Công ty Yên Khánh (trụ sở chính tại 35-37 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) thời gian qua được nhắc đến rất nhiều khi bà Vũ Thị Hoan (SN 1985; quê Ninh Bình; thường trú phường Bình An, quận 2, TP HCM), giám đốc của doanh nghiệp này, bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt giam vào cuối tháng 11-2018. Công ty Yên Khánh "nổi đình nổi đám" khi tham gia đầu tư hàng loạt dự án BOT. Đặc biệt, công ty này quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp do cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") nắm giữ. Hoan là cháu ruột của Út "trọc".
Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương Ảnh: Minh Sơn
|
Năm 2005, Công ty Yên Khánh thành lập với tên gọi là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, do bà Vũ Thị Hoan làm giám đốc khi mới 20 tuổi. Công ty này nhanh chóng lớn mạnh khi tham gia vào nhiều dự án BOT lớn như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Hạc Trì (Phú Thọ); dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 123+105 đến Km 268 thuộc địa phận Lâm Đồng…
Có hậu thuẫn của Út "trọc", Công ty Yên Khánh liên tục trở thành "ông lớn" trong nhiều dự án BOT. Đối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng, Công ty Yên Khánh liên danh cùng một số nhà đầu tư lập ra Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trong đó Yên Khánh nắm giữ 30% cổ phần. Dự án cầu Hạc Trì tổng vốn đầu tư hơn 1.828 tỉ đồng, được chỉ định cho liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn của Út "trọc". Để thực hiện dự án, liên danh này lập ra Công ty CP BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỉ đồng. Tỉ lệ góp vốn của Công ty Yên Khánh chiếm 40% (khoảng 106 tỉ đồng).
Bà Hoan còn là giám đốc của Công ty CP Yên Khánh Hải Thành - doanh nghiệp liên quan những vi phạm về đất đai mà Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang điều tra. Lô đất được cho là "dính" đến vi phạm của bà Hoan nằm trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM). Nữ doanh nhân 8x này cũng nắm giữ 360.000 cổ phần tại Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ.
Được thu phí không qua đấu thầu
Đáng chú ý, Công ty Yên Khánh còn được nhượng quyền thu phí tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Năm 2012, bà Hoan ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất tổ chức thuê dịch vụ quản lý thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Chỉ khoảng 1 tuần sau, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực tiếp đàm phán với nhà đầu tư để xử lý.
Khâu đàm phán và thỏa thuận giữa VEC và Công ty Yên Khánh được triển khai nhanh một cách bất thường. Bốn trạm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (gồm Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ) sau đó được giao cho Công ty Yên Khánh thu phí mà không qua đấu thầu. Chi phí thực hiện theo đề xuất của Công ty Yên Khánh là hơn 21 tỉ đồng và thực hiện thu phí trong 1 năm, thực tế thu tới 5 năm.
Việc Công ty Yên Khánh thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến cuối năm 2017 thì lộ nhiều sai phạm. VEC phát hiện nhiều lỗi, chủ yếu là phân loại xe sai đầu vào, bán sai mệnh giá vé đầu ra... VEC cũng phát hiện hình ảnh tiêu cực trong khâu thu phí của doanh nghiệp này và chấm dứt hợp đồng vào cuối năm 2017.
Đăng ký tới 44 ngành, nghề Công ty Yên Khánh đăng ký tới 44 ngành, nghề kinh doanh, trong đó có những ngành chính như: Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa; đại lý môi giới đấu giá; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; xây dựng công trình đường sắt và đường bộ... Theo thông tin đăng ký thay đổi gần đây nhất là ngày 21-12-2018, người đại diện theo pháp luật hiện tại của công ty là ông Đặng Thái Hà (SN 1972; thường trú phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM), vốn điều lệ là 1.800 tỉ đồng. Tại thông báo thay đổi nội dung doanh nghiệp vào tháng 9-2016, công ty này có vốn điều lệ 1.250 tỉ đồng với 2 cổ đông sáng lập là bà Vũ Thị Hoan (góp 70% cổ phần với 875 tỉ đồng) và bà Đinh Thị Hiên (ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) 30% cổ phần, tương đương 375 tỉ đồng. Đến tháng 3-2017, công ty có sự thay đổi cơ cấu cổ đông nhưng bà Hoan vẫn là cổ đông chính với tỉ lệ cổ phần tăng lên 868,7 tỉ đồng (chiếm 69,5% cổ phần), bà Đinh Thị Hiên 375 tỉ đồng (30% cổ phần) và Đinh Ngọc Liên (tỉnh Ninh Bình) 0,5% cổ phần với 6,25 tỉ đồng. T.Phương |
Sử dụng phần mềm trái phép để trốn thuế Ngày 1-1-2019, Bộ Công an cho biết Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở cùng nơi làm việc đối với Ngô Bá Thắng, Giám đốc Chi nhánh Long An thuộc Công ty Yên Khánh, để điều tra về hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương. Cùng bị bắt với Thắng còn có Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi và 3 cá nhân khác ở Công ty Yên Khánh, gồm: Trần Văn Miền, Phó Giám đốc Chi nhánh Long An kiêm trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm; Tô Phước Hùng, kế toán trưởng; Nguyễn Thị Kim Huệ, kế toán. Qua khám xét, công an thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử. Ng.Hưởng |
Minh Chiến