Vietstock - Nợ xấu ngân hàng: Bao giờ mới thôi bận lòng!
2018 có thể nói là năm vực dậy của ngành ngân hàng khi các con số lãi nghìn tỷ đồng ùn ùn báo về. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở luôn làm phiền lòng các nhà băng cũng như nhà đầu tư là nợ xấu. Mặc dù nhiều nhà băng đã cải thiện đáng kể tỷ lệ nợ xấu, nhưng không có nghĩa là khía cạnh này hoàn toàn không ảnh hưởng đến các ngân hàng. Làm thế nào để lợi nhuận tỷ lệ nghịch với tỷ lệ nợ xấu, chứ không phải cùng chiều như hiện nay.
Tính đến 31/12/2018, theo số liệu thống kê của Vietstock dựa trên 21 ngân hàng đã công bố thông tin về nợ xấu, chỉ có 5/21 ngân hàng có nợ xấu giảm so với cùng kỳ năm trước gồm PGBank, Saigonbank (SGB), Sacombank (STB) và ABBank và Eximbank (EIB). Các ngân hàng còn lại đều tăng nợ xấu mặc dù lợi nhuận cũng tăng cao.
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng năm 2018 (Đvt: Tỷ đồng, %)
Nguồn: VietstockFinance
|
Tính đến thời điểm 31/12/2018, chỉ có 2 ngân hàng là VPBank (VPB, 3.51%) và MSB (3.01%) có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, chưa xét đến vấn đề tăng hay giảm tỷ lệ nợ xấu, thì các nhà băng còn lại đều kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Sự bành trướng của FECredit không chỉ đóng góp vào lợi nhuận, mà còn góp phần nợ xấu cho VPBank, cho nên việc VPBank đứng đầu về tỷ lệ nợ xấu lẫn số tuyệt đối không có gì là bất ngờ. Tăng đến 25% nợ xấu so với đầu năm, chiếm 7,766 tỷ đồng trong tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 33% và nợ nghi ngờ chỉ giảm 14% cùng với nợ có khả năng mất vốn tăng cao (74%), kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng lên 3.51% so với mức 3.39% hồi đầu năm.
Về phần MSB, nợ xấu của ngân hàng trong năm 2018 tăng đến 82% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 42% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến 92% so với đầu năm. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên 3.01% so với 2.23% hồi đầu năm.
Mặc dù đã kéo được tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% đồng thời nợ xấu giảm 5% so với đầu năm chỉ còn 653 tỷ đồng, nhưng PGBank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ đứng thứ 3 toàn hệ thống, suýt soát là 2.96%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nợ xấu cũng giảm nhẹ 5% chỉ còn 653 tỷ đồng. Trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 38% và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 33%; thì nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 21%.
Sacombank có lẽ là “điểm sáng” nhất trong bức tranh nợ xấu ngân hàng năm nay. Khi mới đầu năm, STB dẫn đầu với tỷ lệ nợ xấu ngất ngưỡng 4.16% thì giờ đây, nhà băng này đã kéo được tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% và đáng mừng là ở mức chỉ còn 2.11%. Chưa dừng lại ở đó, STB còn dẫn đầu trong nhóm giảm nợ xấu khi giảm gần một nửa nợ xấu so với đầu năm, chỉ còn 5,427 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ nhóm 3 giảm 87%, nợ nhóm 4 giảm 50%, nhóm 5 giảm 41%.
Trong năm qua, Sacombank tích cực rao bán các bất động sản để thu hồi nợ xấunhư dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, khu đất tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân và toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích khu đất hơn 500,000 m2… |
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2019, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, trong năm 2018, quá trình xử lý nợ xấu sau sáp nhập gặp khó khăn do khung pháp lý chưa hoàn thiện. Thời gian qua, Sacombank tập trung thanh lý, bán tài sản theo quy định, ưu tiên thu hồi nợ gốc, về lãi thì tiếp tục theo dõi để xử lý.
Có 8/21 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm, tuy nhiên thực chất chỉ có 5/21 ngân hàng có nợ xấu giảm so với đầu năm là STB (-48%), SGB (-28%), ABBank (-26%) và PGBank (-5%). Các nhà băng khác mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng nợ xấu lại tăng, là do tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tăng cao hơn nợ xấu.
Mặc dù vậy, tính đến ngày 31/12/2018, tổng nợ xấu của 21 ngân hàng thống kê được đạt 34,809 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Cơ cấu nợ cũng dịch chuyển vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Các ngân hàng gốc “Nhà nước” vẫn được kiểm soát tốt dưới 3%. Như trường hợp của Vietcombank (HM:CTG) (VCB) đã đưa được tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 1%, chỉ còn 0.98% so với mức 1.14% hồi đầu năm.Trong khi đó, VietinBank (CTG, 1.56%) và BIDV (BID, 1.69%) tăng tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng vẫn được kiểm soát tốt.
Riêng trường hợp của Agribank, nợ xấu theo Thông tư 02 là 1.51%, thấp hơn so với năm 2017. Thu hồi nợ sau xử lý 11,936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu do HĐTV đề ra. Trích lập dự phòng rủi ro đạt 25,590 tỷ đồng. Theo thông tin từ Ngân hàng công bố, tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20,000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Trong năm 2018, nhiều Thông tư, Nghị định của Ngân hàng Nhà nước được đề ra để xử lý nợ xấu, mặc dù còn một số vướng mắc, nhưng không thể phủ nhận kết quả mà hành lang pháp lý này mang lại.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã giảm mạnh. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149.22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1.89%, giảm so với mức 2.46% cuối năm 2016 và mức 1.99% cuối năm 2017. Và mức 1. 89% này cũng là mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2012 đến nay.
Theo thông tin từ VAMC, trong năm 2018, công ty đã triển khai hoạt động mua và xử lý nợ xấu đã mua của các tổ chức tín dụng với hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2,819 tỷ đồng giá mua nợ; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 29,812 tỷ đồng giá mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua đạt 78,000 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 226% kế hoạch) với giá trị thu hồi nợ đạt 37,250 tỷ đồng.
Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 đạt 68,103 tỷ đồng, bằng gần một nửa tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay.VAMC đặt mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản xử lý xong nợ xấu các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC.
Bảng tổng hợp dư nợ cho vay khách hàng và tỷ lệ nợ xấu năm 2018 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Cát Lam