Vietstock - Nhổ đinh dưới thảm
Ngày 30-10, hạn chót để trình Chính phủ ban hành các nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh đã cận kề, song các bộ vẫn đang phải "vắt chân lên cổ" nhằm cắt bỏ một "rừng" những thứ được xem là giấy phép con cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh.
Thông tin mới nhất từ việc kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng với một số bộ cho thấy còn một khối lượng lớn công việc cần phải làm trong khi thời gian còn rất ít. Như Bộ Tài chính có 370 điều kiện kinh doanh, dự kiến xây dựng 3 nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện, song hiện nay mới có 1 nghị định trình lên Chính phủ, 2 nghị định vẫn đang xây dựng. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến xây dựng 9 nghị định mới để sửa đổi 20 nghị định cũ, cắt giảm 346 điều kiện kinh doanh trong tổng số 570 điều kiện nhưng nay mới ban hành được vỏn vẹn 4 nghị định, cắt 109 điều kiện.
Thực hiện đợt cải cách hành chính được cho là mạnh mẽ nhất trong 20 năm qua, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh. Quyết tâm của Chính phủ cao là vậy, tuy nhiên các bộ ngành đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh và 1.700 dòng hàng trên tổng số 9.926 dòng hàng cần cắt giảm.
Thế nên, không thể không quan ngại khi hạn chót để thực hiện mục tiêu lớn mà Chính phủ đề ra đã tới rất gần. Bên cạnh đó, mối lo ngại khác cũng không kém là việc cắt giảm có thực chất hay không, hay gom 2 điều kiện thành 1 để "báo cáo thành tích", thậm chí cắt điều kiện này nhưng lại mọc ra điều kiện khác.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh lâu nay luôn là một đòi hỏi bức thiết từ thực tế sản xuất kinh doanh, từ mỗi người dân và doanh nghiệp (DN). Thực tế, có giai đoạn, điều kiện kinh doanh chẳng những không giảm đi mà tăng lên cả về số lượng và sự phức tạp. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Tính ra, mỗi tháng lại có thêm cả trăm hay cả ngàn điều kiện kinh doanh mới ra đời, mà bên cạnh mặt tích cực, cũng kèm theo cả mặt trái, tiêu cực.
Những điều kiện kinh doanh mới, ngoài nhu cầu của quản lý nhà nước, có không ít trong số đó là phục vụ lợi ích cục bộ của từng bộ ngành. Điều mà không ít ý kiến đã nói thẳng là "đẻ" thêm các "giấy phép con" gây khó, hành DN và người dân.
Những điều kiện kinh doanh mà sinh ra với mục đích tạo thuận lợi cho quản lý, thậm chí lợi ích của các bộ ngành, lại được xem là những sợi dây trói buộc DN và người dân. Cắt những điều kiện này chính là giải phóng sản xuất và kinh doanh, là dư địa quan trọng cho tăng trưởng. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp nào người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, cũng là quyết tâm lớn nhằm thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong 20 năm qua.
Tấm thảm môi trường kinh doanh chỉ thực sự thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển khi mà phải nhổ hết những "chiếc đinh" là "giấy phép con" khoác áo điều kiện kinh doanh.
PHẠM DƯƠNG