Vietstock - Nhiều người lao động vẫn muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần
Đó là một trong nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...
Nhiều người lao động có tâm lý muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần, làm ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội.
|
Trong một báo cáo mới hoàn thành, phục vụ việc thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 2018 và những tháng đầu năm 2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu nhiều con số đáng chú ý.
Đó là, trong năm 2018 tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi khoảng 5.715 tỷ đồng, chiếm 1,7% so với số phải thu, là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Quý 1/2019 số người tham gia ba loại bảo hiểm trên ước khoảng 83,44 triệu với số tiền thu 79.293 tỷ, đạt 22,05% kế hoạch. Số tiền chi ước khoảng 76.832 tỷ, đạt 23,14% kế hoạch.
Bên cạnh kết quả, báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu không ít hạn chế, vướng mắc.
Đầu tiên là việc thực hiện các mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm (theo nghị quyết Trung ương khoảng 35% lực lượng lao động) còn hết sức khó khăn, nếu không có giải pháp đột phá, quyết liệt thì khó hoàn thành.
Báo cáo nêu rõ, hiện nay đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt 30,4% và đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ đạt 26,2% lực lượng lao động trên độ tuổi, còn khoảng 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Đáng chú ý là nhóm tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình tuy có tăng nhưng mới đạt tỷ lệ khoảng 63%, trong đó khoảng 10-20% người có thu nhập cao chưa sẵn sàng tham gia bảo hiểm y tế mà lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Nguyên nhân chính của tình hình trên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, là do tình trạng một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bằng việc không khai báo lao động hoặc không khai báo đầy đủ. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản hoặc dừng hoạt động.
Bên cạnh đó số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng làm giảm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Lý do nữa là do mức sống, mức thu nhập của một bộ phận người dân, người lao động còn thấp nên tạo tâm lý thờ ơ với việc tham gia bảo hiểm.
Báo cáo cũng nêu hạn chế trong hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Như, quy định về điều kiện, thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu (20 năm) còn khá dài, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá rộng rãi dẫn đến nhiều người lao động có tâm lý muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần, làm ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội.
Khó khăn nữa là số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Trong chấp hành chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu khó khăn là số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm vẫn xảy ra. Việc lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời cho ý kiến về các bất cập trong quy định pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời.
HÀ VŨ