Vietstock - Những vấn đề cần giải quyết về tài chính toàn diện tại Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 7
Tại Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 7, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng cần thảo luận về việc định hướng tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Theo sự kiện hợp tác tài chính – ngân hàng khu vực châu Á & Thái Bình Dương (APEC) do Việt Nam đăng cai tổ chức, trong các ngày từ 10 – 11/7/2017 tại Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ trì, phối hợp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Học viện ADB (ADBI) và Cơ quan Điều phối Hợp tác phát triển (FDC) tổ chức Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 7 về Tài chính toàn diện với các nội dung tập trung vào việc định hướng tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn – đây là một trong 4 nội dung hợp tác ưu tiên trong tiến trình hợp tác Bộ trưởng Tài chính APEC trong năm 2017.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh: “Dù đã có những nỗ lực và thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức như tỷ lệ người nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức còn thấp, sự bất bình đẳng về giới, khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch về phát triển, mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính cho người dân còn chưa đầy đủ, sự bất cập về khuôn khổ pháp lý cho giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, việc đầu tư chưa đúng mức cho nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.
Trước những thách thức đó, Diễn đàn hợp tác APEC về Tài chính toàn diện năm 2017 được diễn ra nhằm tạo cơ hội để các nền kinh tế trong và ngoài khu vực APEC, các chuyên gia hàng đầu về tài chính toàn diện, các bên liên quan đến phát triển tài chính toàn diện được trao đổi và thảo luận về cách thức và khả năng hài hòa các mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại, phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển của các quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, điều kiện và thực tiễn phát triển của các nền kinh tế APEC là không đồng đều. Do vậy, trong nhiều khía cạnh của tài chính toàn diện, cần xác định được những nội dung ưu tiên đối với mỗi quốc gia là gì, đặc biệt là những quốc gia nông nghiệp đang phát triển để từ đó định hình, xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia phù hợp.
Bên cạnh đó, cần xác định giải pháp tổng thể để người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính. Phó Thống đốc đề xuất tập trung phân tích nhiều hơn ở khía cạnh đáp ứng nhu cầu của người dân hơn là khía cạnh bên cung do nhiều báo cáo nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng sẽ là không thành công nếu chỉ chú trọng đến các giải pháp về cung mà thiếu sự kết hợp với các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính theo hướng nhu cầu.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh cần xác định việc phát triển chuỗi giá trị trực tuyến và các giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì nên ở mức độ như thế nào là phù hợp và các điều kiện đi kèm là gì. Theo bà điều này là do các nước nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam hiện đang có đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và từng bước hoàn thiện từ khâu sản xuất – tiêu thụ theo một chu trình khép kín nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và tính bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp trước những rủi ro thiên tai, tình trạng dư thừa hoặc sản phẩm kém chất lượng rất dễ xảy ra đối với ngành sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hồng đề nghị đại diện OECD cập nhật tình hình xây dựng “Báo cáo nghiên cứu hiện trạng và chiến lược nâng cao nhận thức tài chính tại các nền kinh tế APEC” theo chỉ đạo của các Bộ trưởng Tài chính APEC.