Vietstock - Ngành gỗ bắt tay kiến trúc sư 'bán' không gian nội thất
Kiến trúc sư đưa ra chủ đề tổng thể, doanh nghiệp sẽ đi vào chi tiết công trình nhằm hướng đến thị trường nội thất trong nước được định giá lên đến hơn 4 tỷ USD.
Năm 2005, Công ty ván sàn Sao Nam đi vào hoạt động. Với những cải tiến liên tục về mặt sản xuất, công ty từng bước thâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu...
Một lần, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc công ty ván sàn Sao Nam được một người quen khoe nhập được ván sàn Mỹ, có chiều rộng lớn hơn hẳn sản phẩm trong nước, vân gỗ rất đẹp để trang trí cho ngôi nhà. Đến tận nơi xem, bà Loan bất ngờ vì sản phẩm đó là của công ty mình sản xuất. Từ đây, bà bắt đầu suy nghĩ lại về mặt chiến lược.
"Chúng tôi quyết định sẽ đầu tư thêm để chinh phục thị trường nội địa. Tôi nghĩ, doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn có cơ hội tại sân nhà", bà Loan nói.
Để phục vụ cho việc trở về thị trường nội địa, lần đầu tiên Sao Nam thiết kế, sản xuất một bộ sưu tập riêng cho thị trường Việt Nam. 12 mẫu ván sàn trong bộ sưu tập mới này có đến 4 mẫu đúng "gu" của người Việt xưa với bề mặt là màu của lim, xoan, giáng hương... Bà Loan nhận định, hiện người dùng trong nước ngày càng thích đồ gỗ để làm đẹp không gian sống. Riêng ván sàn gỗ, càng có cơ hội.
Một triển lãm đồ gỗ nội thất tại TP HCM (HM:HCM). Ảnh: QH
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Toàn, người sáng lập thương hiệu Thiên Ân Furniture cho rằng, thời gian qua, thực tế đúng là doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa bởi bận chạy theo "cơm áo" từ các đơn hàng xuất khẩu, thiếu lực để tham gia thị trường trong nước.
Đến năm 2006 - 2007, cùng với sự suy giảm từ đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Thiên Ấn Furniture bắt đầu nhận những đơn hàng nội địa xem như một hướng giải quyết khó khăn về doanh thu. Công ty chọn hướng sản xuất những đồ bán cổ điển, phù hợp phong cách nội thất của người Việt, nên dần được thị trường chấp nhận.
"Hiện nay, tỷ trọng phục vụ thị trường trong nước của Thiên Ấn đã thay đổi, nội địa lấn át xuất khẩu lên đến 80/20".
Theo ông Toàn, với sự đổ bộ của các thương hiệu nội thất nhập khẩu đến từ châu Âu, Italy, Mỹ..., mức độ cạnh tranh ở thị trường nội thất trong nước cao hơn, nhưng doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có cơ hội.
Mức độ tăng trưởng trung bình 20% một năm, phương cách của Thiên Ấn để thâm nhập thị trường nội địa là không chỉ mở showroom, tiếp thị với khách hàng trong nước, chứng minh chất lượng mà còn bắt tay với đội ngũ thiết kế và chủ đầu tư các dự án.
"Kiến trúc sư đưa ra concept tổng thể, doanh nghiệp sẽ đi vào chi tiết công trình do khả năng sản xuất. Mối liên kết này tạo lợi ích cho cả hai đối tượng. Với tôi, kiến trúc sư là cánh tay phải của kinh doanh nội địa", ông Toàn nhận xét.
Theo ông Toàn, cách làm này giúp Thiên Ấn bán được cả không gian nội thất, nghĩa là nội thất, trang trí cho cả không gian từng phòng, chứ không chỉ riêng một vài sản phẩm. Khi đó, giá trị các đơn hàng cũng cao hơn hẳn.
Đồng quan điểm, bà Kim Loan cho rằng, cách tiếp cận với giới sáng tạo là con đường ngắn và hiệu quả với nhu cầu khách hàng hiện nay. Đối tượng này cũng sẽ là kênh phân phối hiện đại của ngành gỗ. Cụ thể, Sao Nam đang liên kết với các đơn vị thiết kế nội thất để tiếp cận khách hàng. "Hiện chúng tôi đã có 3 đơn vị thiết kế chấp nhận làm nhà phân phối. Với kinh nghiệm làm việc trực tiếp với khách hàng, những nhà thiết kế còn trao đổi, tư vấn cho Sao Nam nhiều để hiểu hơn "gu" của người dùng, giúp chúng tôi có thể lắng nghe thị trường, kịp thời cải tiến sản phẩm", bà Loan chia sẻ.
"Khi doanh nghiệp sản xuất chịu bắt tay với các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư, thị trường nội thất sẽ có những biến chuyển rất tích cực", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) nhận xét. Theo ông Khanh, Hawa cũng như các doanh nghiệp trong ngành đã quan tâm thị trường nội địa từ 10 năm trước và rất quyết tâm với thị trường này nhưng cách quảng bá chỉ chú trọng yếu tố chất lượng và giá rẻ chưa thực sự hiệu quả. Doanh nghiệp cũng mở showroom trưng bày nhưng rồi riêng lẻ, không tạo được ấn tượng với người dùng.
Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 9,3 tỷ USD vào năm 2018, ngành chế biến gỗ Việt Nam đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới. Cùng với thời gian, những nhà sản đồ nội thất Việt Nam cũng đã bắt kịp nhu cầu, khuynh hướng tiêu dùng thế giới, gia tăng nhiều hơn hàm lượng chất xám bằng thiết kế riêng, đầu tư thời gian để tìm hiểu thị trường nội địa. Nếu có thêm kiến trúc sư giới thiệu đến khách hàng thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận người dùng trong nước tốt hơn.
Hawa cũng đang tổ chức các hoạt động kết nối để mối liên kết giữa nhà sản xuất - đơn vị thiết kế được hình thành. Bước đi đầu tiên cho việc gây dựng quan hệ này là Vifa GU, một triển lãm hoàn toàn mới mà Hawa tổ chức dành riêng cho người dùng trong nước, từ ngày 16 đến 19/5 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC). Tại Vifa GU, các kiến trúc sư sẽ ngồi lại với doanh nghiệp để thiết kế nên những không gian sống đúng với thị hiếu của người Việt.
"Nếu tiếp cận khách hàng bằng thiết kế, thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội chinh phục khách hàng ở phân khúc giá trị gia tăng cao hơn", ông Khanh khẳng định.
Theo đánh giá của Hawa, hiện thị trường nội địa với 100 triệu dân đầy tiềm năng, có giá trị lên đến hơn 4 tỷ USD.
Hoàng Lâm