Vietstock - 'Ông lớn' ngoại chuyển nhà máy vào Việt Nam
Nhiều ông lớn sản xuất trong ngành điện tử thế giới có chiến lược chuyển nhà máy về VN để tận dụng nhân công giá rẻ hay còn vì lý do nào khác?
Cứ điểm sản xuất hàng công nghệ ?
Điện thoại LG sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn nếu sản xuất tại VN. Ảnh: Gia Khiêm
|
Thông tin Tập đoàn LG của Hàn Quốc sẽ chuyển nhà máy sản xuất điện thoại thông minh sang VN trên một số kênh thông tin của Hàn Quốc khiến giới quan tâm thương hiệu smartphone của xứ sở kim chi xôn xao. Bài báo trên trang Yonhap (Hàn Quốc) viết, do nhà máy của LG tại ngoại ô thủ đô Seoul thua lỗ, nên việc chuyển nhà máy sang dự kiến tại Hải Phòng (VN) là một động thái nhằm… cải thiện tình trạng thua lỗ của công ty, tăng lợi nhuận do chi tiền lương thấp chỉ bằng 1/8 lần doanh nghiệp (DN) phải chi trả cho công nhân tại Hàn Quốc.
Thông tin này hoàn toàn có cơ sở do từ đầu năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng mức lương tối thiểu trả cho một giờ làm việc từ 8.350 won (khoảng hơn 170.000 đồng/giờ). Trong khi mức lương tối thiểu vùng 1 của VN năm 2019 là hơn 4.800.000 đồng/tháng (khoảng 185.000 đồng/ngày). Dự kiến, từ công suất 5 triệu sản phẩm tại Hàn Quốc, sau khi chuyển sang VN, nhà máy mới của LG sẽ tăng công suất hơn gấp đôi, 11 triệu sản phẩm.
Trước đó, vào tháng 11.2018, trang tin công nghiệp điện tử Thelec từ Hàn Quốc cũng có bài viết về việc Samsung sẽ xây dựng nhà máy sản xuất smartphone thứ 3 tại VN sau khi ngừng sản xuất tại nhà máy Thiên Tân, Trung Quốc. Theo đó, nhà máy thứ 3 tại VN có công suất dự kiến 60 - 120 triệu chiếc điện thoại/năm, sẽ tập trung sản xuất các điện thoại từ giá rẻ đến trung cấp, cung cấp cho các thị trường như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Kế đó, cuối năm 2018, Hãng tin Reuters cũng đưa tin Tập đoàn Foxconn đang thảo luận việc di dời nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc về VN trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Một số công ty chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple (NASDAQ:AAPL) tại Trung Quốc như GoerTek đã thông báo cho các nhà cung cấp linh kiện của họ về khả năng liệu linh kiện có thể gửi trực tiếp vào thị trường VN hay không. Thông tin này dẫn đến đồn đoán GoerTek đang dự định sẽ chuyển bộ phận sản xuất tai nghe không dây sang VN.
Cơ hội nâng giá trị hàng “made in Vietnam”
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, nhận định ngoài vấn đề chi phí tại VN sẽ rẻ hơn, đặc biệt về nhân công. Hơn nữa, các chính sách ưu đãi cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại VN vẫn khá tốt. Điều này sẽ giúp cho giá các loại smartphone “made in Vietnam” có sức cạnh tranh cao hơn. Riêng đối với Tập đoàn LG, nhà máy sản xuất smartphone hiện tại không nằm trong khu vực ASEAN. Vì vậy có thể ngoài việc tận dụng lợi thế chi phí nhân công rẻ, có thể LG còn nhắm đến việc thị trường tiêu thụ sản phẩm smartphone tại khu vực này. Vì việc đặt nhà máy sản xuất ở VN thì sản phẩm sang các nước trong khu vực này sẽ được hưởng thuế ưu đãi hơn xuất đi từ Hàn Quốc.
Ông Đỗ Hòa nói: “Nếu theo thông tin trên các hãng truyền thông nước ngoài, quy mô nhà máy smartphone của LG ở VN sẽ lớn gấp đôi nhà máy họ chuẩn bị đóng cửa tại Hàn Quốc. Như vậy, cơ hội tạo công ăn việc làm cho lao động Việt cũng đáng quan tâm. Tuy nhiên, có một yếu tố cần quan tâm là việc các nhà đầu tư điện tử đến VN xây cứ điểm, hàng hóa được xuất đi nhiều trên thế giới, có thể cho thấy, uy tín thương hiệu hàng “made in Vietnam” phổ biến trên thế giới nhiều hơn, theo đó, cơ hội để người tiêu dùng các nước biết đến VN nhiều hơn. Rõ ràng việc các dự án công nghệ gia tăng sự hiện diện cũng tác động tích cực đến làn sóng thu hút vốn FDI vào VN trong thời gian tới”.
Nguyên Nga - Mai Phương