Chốt lời dồn dập, vàng thế giới mất đà trước sức nóng lãi suất
Investing.com - Sau khi vượt qua nguy cơ suy thoái trong năm 2023–2024, kinh tế Mỹ đang đối mặt với mùa hè đầy bất ổn. Trong tháng 5, thị trường lao động vẫn tăng 139.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ổn định quanh mức 4–4,2%. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngày càng lo ngại về chính sách thương mại thay đổi liên tục khiến họ khó lên kế hoạch, dẫn đến đình trệ tuyển dụng và đầu tư.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hiện tạm ngừng giảm lãi suất do lo ngại lạm phát mới, trong khi tăng trưởng việc làm và thị trường nhà đất đều chững lại. Ông John Starr – chủ hãng thiết bị UltraSource – cho biết đang dừng mọi kế hoạch tuyển dụng và chi tiêu vì chưa rõ liệu mức thuế nhập khẩu 10% có được giữ nguyên. Nếu không, công ty ông có thể mất trắng lợi nhuận cả năm.
Thị trường lao động đang trở nên mong manh hơn. Nhiều doanh nghiệp hiện đã ngừng tuyển dụng thêm nhân sự, nhưng cũng không muốn sa thải người lao động do đã mất nhiều công sức và chi phí tuyển dụng trong giai đoạn hậu đại dịch. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng giảm rõ rệt trong thời gian tới, làn sóng cắt giảm nhân sự quy mô lớn có thể xảy ra nhanh chóng. Ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY, cảnh báo rằng chỉ cần một doanh nghiệp lớn đi đầu trong việc cắt giảm, các đối thủ cạnh tranh sẽ nhanh chóng làm theo, tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực cho toàn bộ thị trường việc làm.
Tiếp theo là áp lực từ phía người tiêu dùng. Tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt trong nhóm người có thu nhập thấp, đã tăng liên tục trong suốt một năm qua. Điều này cho thấy sức chi tiêu – vốn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Mỹ – đang dần suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng không mấy khả quan: mùa xuân năm nay, số lượng người bán nhà đã vượt số người mua khoảng 500.000 căn – mức chênh lệch cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Nếu xu hướng này tiếp diễn, chi tiêu hộ gia đình có thể bị kéo giảm đáng kể, kéo theo tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Bên cạnh đó là những biến động khó lường trong lĩnh vực tài chính, đi kèm với mức lãi suất cao. Lãi suất vay dài hạn – yếu tố ảnh hưởng đến việc mua nhà, đầu tư và tiêu dùng – vẫn duy trì ở mức cao do giới đầu tư lo ngại về khả năng chính phủ Mỹ tài trợ cho thâm hụt ngân sách ngày càng lớn. Ngoài ra, các đợt áp thuế bất ngờ và thiếu nhất quán từ chính quyền Tổng thống Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể lập kế hoạch dài hạn, đồng thời gặp khó trong việc xử lý các đơn hàng đã ký kết từ trước. Điều này không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn khiến tâm lý thị trường trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Chính quyền Trump khẳng định chiến lược thuế quan sẽ tái cấu trúc quan hệ thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và chuyên gia tỏ ra hoài nghi khi các chính sách liên tục thay đổi, chưa rõ ràng. Ông Starr cho biết đã chịu thiệt hại 300.000 USD vì các khoản thuế bất ngờ, và việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không đủ để bù đắp nếu lợi nhuận bị xóa sổ bởi thuế nhập khẩu.
Thuế thép và nhôm tăng từ 25% lên 50% có thể hỗ trợ sản xuất trong nước, nhưng lại gây áp lực chi phí lên các ngành như ô tô, lon thiếc và các công ty nhập khẩu như Titan Steel. Giám đốc công ty này chia sẻ: "Không ai trong chuỗi cung ứng có thể lập kế hoạch dài hạn trong hoàn cảnh này."
Fed từng tăng mạnh lãi suất năm 2022–2023 để chống lạm phát, nhưng kinh tế Mỹ vẫn trụ vững nhờ lãi suất thấp thời kỳ dịch và làn sóng đầu tư vào AI. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jason Thomas từ Carlyle Group, nguy cơ đầu tư dư thừa đang tăng.
Một số công ty đang trì hoãn tăng giá để tránh rủi ro mâu thuẫn với khách hàng giữa lúc chính sách chưa ổn định. Nhưng khi hàng tồn kho cạn, họ buộc phải chuyển phần chi phí gia tăng sang người tiêu dùng. Một điểm sáng nhỏ là giá năng lượng giảm, có thể giúp kiềm chế phần nào áp lực lạm phát do thuế.
Dù tổng thống thường không bị quy trách nhiệm trực tiếp cho tình hình kinh tế, lần này có thể là ngoại lệ. “Nếu ông Trump hạ nhiệt và dừng tăng thuế, kinh tế Mỹ có thể tiếp tục mở rộng thêm vài năm nữa,” ông Thornberg nhận định. “Nhưng nếu ông tiếp tục gây xáo trộn, nền kinh tế có thể chao đảo ngay đầu năm tới.”