Vietstock - Năm 2018: Thiết lập lại Top 10 lợi nhuận ngân hàng
Năm 2018 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong hệ thống ngân hàng khi cuộc đua về lợi nhuận giữa các nhà băng có sự thiết lập trật tự hoàn toàn mới.
Cuộc rượt đuổi về lợi nhuận giữa các nhà băng đã đi đến hồi kết với 10 ngân hàng báo lãi vượt mốc 2,000 tỷ đồng. Bảng xếp hạng lợi nhuận cho năm nay khiến người xem không khỏi bất ngờ khi có sự bứt phá ngoạn mục của 3 ngân hàng TMCP tư nhân, lọt vào Top 5 ngân hàng có lãi cao nhất năm 2018.
Nguồn: VietstockFinance |
Không quá bất ngờ khi vị trí quán quân vẫn thuộc về Vietcombank (HM:CTG) (VCB) với lợi nhuận trước thuế năm 2018 ghi nhận 18,300 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2017, mặc dù năm nay VCB tăng trích lập dự phòng 19% so với cùng kỳ, chiếm đến 7,379 tỷ đồng. Không ngoa khi nói VCB luôn là “anh cả” trong ngành ngân hàng khi bỏ xa vị trí á quân gần 7,639 tỷ đồng lãi trước thuế, đồng thời vượt luôn 41% kế hoạch lãi trước thuế đề ra.
Nguồn: VietstockFinance |
Năm nay, BIDV (BID) hay VietinBank (CTG) không còn được xướng tên cho vị trí á quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận nữa, mà thay vào đó là Techcombank (TCB), với lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm trước, đạt 10,661 tỷ đồng, cách biệt 1,188 tỷ đồng so với BIDV và 3,961 tỷ đồng so với VietinBank. Đồng thời, TCB cũng ghi dấu ngân hàng thứ 2 trong hệ thống lãi trước thuế trên 10,000 tỷ đồng, chỉ xếp sau VCB. Tuy nhiên, người xem không khỏi đặt câu hỏi, phải chăng việc TCB giảm 49% trích lập dự phòng rủi ro trong khi BIDV tăng 27% và VietinBank chỉ giảm 7% so với năm trước là căn nguyên giúp TCB giành được vị trí á quân?
Giữ vị trí thứ hai về chi phí dự phòng rủi ro sau Agribank, chiếm 18,894 tỷ đồng, đồng thời tăng 27% so với năm trước, BIDV chỉ giành được giải ba trong cuộc đua lợi nhuận với 9,473 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 13% so với năm 2017, vượt nhẹ 2% kế hoạch đề ra trong năm 2018.
Mặc dù tăng trích lập chi phí dự phòng đến 41% so với năm trước, nhưng VPBank (VPB) vẫn giành được giải ba với 9,199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 13% so với năm 2017. Tuy nhiên, với con số này VPB chỉ mới thực hiện được 85% kế hoạch đề ra.
Trật tự mới năm nay một lần nữa đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đó là khi VietinBank không những bị bỏ lại phía sau danh xưng “Big 4” mà còn vắng mặt trong Top 5 nhà băng có lợi nhuận khủng, nhường chỗ cho MBB, với thành tích 7,767 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng đến 68% so với năm 2017, vượt 17% mục tiêu đặt ra.
Về phần Agribank, tuy có mức trích lập dự phòng rủi ro cao nhất 25,590 tỷ đồng (tăng 38% so với năm trước) nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ngân hàng này đạt mức 7,525 tỷ đồng. Như vậy, Agribank đã vượt mặt 782 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với VietinBank trong cuộc đua năm nay.
Ba vị trí cuối cùng trong Top 10 lợi nhuận không ai khác là ACB (HN:ACB), HDBank (HDB) và VIB. Cả ba đều có những bước tiến xa so với mục tiêu mà mình đặt ra.
Nói về ACB, nhà băng này đã đạt được 6,389 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2.4 lần so với năm trước, đồng thời vượt 12% kế hoạch năm 2018. Song, việc giảm tới 64% trích lập dự phòng rủi ro của ACB là một con số khá cao so với những ngân hàng ở Top đầu.
2 gương mặt còn lại là HDBank với lợi nhuận trước thuế đạt 4,005 tỷ đồng, tăng 66% so với năm trước và chi phí dự phòng gần như không thay đổi so với năm trước. Hơn nữa, hầu hết các hoạt động kinh doanh đều khả quan trong năm 2018, đã góp phần giúp cho HDB xếp trên VIB một hạng.
Mặc dù chi phí dự phòng tăng đến 77% so với năm trước, ghi nhận 620 tỷ đồng, song VIB đã về đích ở mức 2,742 tỷ đồng lãi trước thuế, vượt 37% mục tiêu để góp mặt trong Top 10 nhà băng có lợi nhuận khủng năm 2018.
Quả thật, lối mòn về thứ bậc của hệ thống ngân hàng đã không còn nữa, thay vào đó là một trật tự hoàn toàn mới vô cùng ấn tượng. Sự rượt đuổi nhau về lợi nhuận giữa những ngân hàng sẽ ngày càng tạo thêm nhiều làn gió mới. Giờ đây, “Big 4” ngân hàng không hẳn chỉ dùng cho những anh gốc “Nhà nước”, mà các nhà băng “tư nhân” đang dần khẳng định mình, tạo ra cuộc cạnh tranh ngày càng gắt gao.
Ái Minh
FILI