Vietstock - Mỹ chưa công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam: Khoảng cách từ cam kết đến… gật đầu công nhận!
Ngày 02/08, thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận quốc gia này có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Công thương Việt Nam đã phản hồi "lấy làm tiếc". Rõ ràng: “Nếu DOC xem xét hồ sơ, thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng, họ đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường" - trích thông cáo.
Quả thật, như trong văn bản ký kết nâng tầm Việt Nam - Hoa Kỳ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm 2023, nước này đã đưa ra nhận định: “Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.”.
Trước đó, phía Hoa Kỳ cũng xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ - một trong 6 tiêu chí của DOC công nhận một nền kinh tế thị trường (market economy). Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng trong cải cách tiền lương, ngày càng có nhiều công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng chế độ tiền lương, tiền công của người lao động. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm lớn nhất thế giới với việc tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác ở khắp các châu lục.
Và quan trọng, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã đáp ứng tốt chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ khi đang là thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững ở các lĩnh vực như nông nghiệp, máy móc, dược phẩm cùng với ưu thế “công xưởng sản xuất lớn” của thế giới - một thị phần thay thế nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sự có mặt của những “ông lớn” như Meta, Google (NASDAQ:GOOGL), Intel… tại Việt Nam cũng như con số hơn 100 tỷ USD cho 3 năm xuất khẩu, trong đó chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu vào Mỹ tăng hơn 22% là minh thị cho độ mở của nền kinh tế Việt Nam và có sức hút lớn với thị trường Mỹ.
Vì vậy, việc chưa thông qua, dù “lấy làm tiếc” nhưng không hoàn toàn là bế tắc cho Việt Nam với sự “ấm dần lên” trong quan hệ làm ăn kinh tế. Song sẽ nối dài các thử thách cho doanh nghiệp Việt khi 62 vụ tranh chấp thương mại của chúng ta đang trong diện bị điều tra. Trong các vụ việc trợ cấp, Chính phủ Việt Nam sẽ phải trả lời bộ câu hỏi của Hoa Kỳ liên quan đến bất kỳ chính sách nào bị cáo buộc là trợ cấp. Đây là gánh nặng lớn đối với các Bộ, ngành, địa phương liên quan vì nội dung hỏi của DOC thường rất nhiều, chi tiết và quy định thời hạn chặt chẽ. Việc trả lời không rõ ràng, không đầy đủ theo nhận định chủ quan của DOC hoặc không đúng hạn đều dẫn đến kết luận bất lợi cho Việt Nam.
Chưa kể quy định sửa đổi về lựa chọn nước (thứ 3) thay thế sẽ dẫn đến nguy cơ tăng biên độ phá giá của doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chứng minh pháp lý đối với chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là các nước xuất siêu như Việt Nam hiện đang là đối tượng trọng tâm trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, các chính sách cho vay, đầu tư, cấp phép các dự án đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, môi trường, lao động… đều có thể khiến các ngành xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Sự phức tạp và nghiêm ngặt ngày càng tăng trong các quy định của Hoa Kỳ đòi hỏi các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam phải thay đổi chính sách đối với các ngành công nghiệp trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào trợ cấp và tránh vi phạm khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Doanh nghiệp có thể cần thay đổi chiến lược tìm nguồn cung ứng và sản xuất để tuân thủ các tiêu chuẩn chống bán phá giá và chống trợ cấp khắt khe của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, với việc chưa được công nhận kinh tế thị trường có thể thúc đẩy các quốc gia khác xem xét tăng cường các biện pháp bảo hộ tương đương, dẫn đến khả năng gia tăng bảo hộ thương mại toàn cầu, điều này gây tác động với doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các thị trường mà Việt Nam đang xuất siêu.
Với những thách thức lớn nói trên, dù đã quá quen với sự gồng-gánh những khó khăn, đối xử thiếu khách quan, công bằng; Việt Nam một lần nữa sẽ nghiêm túc rà soát lại tất cả các nội dung - thực tế tương ứng với 6 tiêu chí, Bộ Công thương cho biết sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của DOC. Sau đó, Bộ sẽ bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu phía Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Và thêm một lần nữa, chúng ta lại tiếp tục… chờ!
Quốc Học
FILI