Vietstock - LPBank sắp tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HOSE: LPB (HM:LPB)) vừa công bố tài liệu chuẩn bị ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, dự kiến diễn ra ngày 22/09.
LPBank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua các nội dung quan trọng như: Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ IV (2023-2028).
Cụ thể, LPBank trình ĐHĐCĐ phê duyệt phương án chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền 16.8%. Nguồn vốn phát hành được trích từ lợi nhuận sau thuế đã trích lập các quỹ 2023 và lợi nhuận còn lại của các năm trước chuyển sang tổng cộng là 4,345 tỷ đồng.
Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của LPBank dự kiến tăng thêm gần 4,297 tỷ đồng, từ hơn 25,576 tỷ đồng lên gần 29,873 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn này có sự điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua ngày 17/04/2024.
Theo đó, cổ đông LPBank đã thông qua việc tăng vốn thêm tối đa 8,000 tỷ đồng, bằng cách chào bán thêm 800 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận) với giá 10,000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ phát hành 31.3%. Sau khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ LPBank dự kiến tăng từ 25,576 tỷ đồng lên 33,576 tỷ đồng.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của LPBank nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và của LPBank, HĐQT Ngân hàng trình ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức thay vì tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Lợi nhuận trước thuế của LPBank trong nửa đầu năm 2024 | ||
Kết thúc nửa đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế LPB đạt gần 5,919 tỷ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ, nhờ nguồn thu lãi và ngoài lãi đều tăng tốc.
Năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10,500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. So với kế hoạch, Ngân hàng thực hiện được 56% chỉ tiêu sau nửa năm.
Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản của LPB đạt gần 442,583 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chủ yếu do dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% lên gần 317,395 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.34% lên 1.73%.
Nợ phải trả cũng tăng tương ứng tổng tài sản, với tiền gửi khách hàng tăng 21% so với đầu năm lên 288,098 tỷ đồng và phát hành giấy tờ có giá tăng 2% lên hơn 48,845 tỷ đồng.
Khang Di