Vietstock - Khuyết điểm của ESG
Năng lực động sẽ giúp tổ chức thiết lập được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách điều chỉnh nguồn lực và năng lực của mình theo sự biến động của môi trường kinh doanh.
Tại buổi kỷ niệm 3 năm thành lập Vietsuccess, Tiến sĩ Phạm Việt Anh, cố vấn bền vững ESG-S có những chia sẻ sâu sắc về những khía cạnh của phát triển bền vững, khiếm khuyết và làm sao để chúng ta tránh được điều này.
Vị chuyên gia dẫn dắt vấn đề bằng hai câu hỏi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thứ nhất, doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận nhiều hơn cho các cổ đông, sau đó đóng góp cho cộng đồng; hay doanh nghiệp sẽ cân bằng các trụ cột 3P (con người, hành tinh, lợi nhuận - People, Planet, Profit) hay ESG (môi trường, xã hội, quản trị - Environmental, Social, Governance).
Ông Phạm Việt Anh là tiến sĩ Quản trị kinh doanh bền vững (DBA); nghiên cứu sinh (PhD) về Phát triển bền vững và Ngoại giao (U.N Treaty University). Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam về chiến lược tăng trưởng, thương hiệu và phát triển bền vững. |
ESG không đồng nghĩa với tính bền vững
Ông Việt Anh cho rằng các khuôn khổ 3P và ESG đều có những “khiếm khuyết nghiêm trọng”. Ông lý giải, nếu để ý, trong các khái niệm của 3P không nhắc gì về ESG. Trong đó, quản trị doanh nghiệp vừa là tác nhân gây ra những tác ngoại xã hội nhưng cũng là một trong những cơ hội để mà giải quyết vấn đề xã hội. Thứ hai, ESG không có chiến lược thực thi mà thay vào đó là tích hợp bền vững vào kinh doanh, nhưng chưa ai nói tích hợp như thế nào, tích hợp ra sao, bao nhiêu là đủ.
“Chúng ta thường nghe ESG là phát triển bền vững nhưng bản thân từ bền vững thôi, nó phải đạt ba hàm ý dài hạn, rất dài hạn”, ông Việt Anh nói và dẫn ví dụ việc trái đất ấm lên, muốn biết được phải theo dõi 30 năm, 50 năm, thậm chí 100 năm thì mới thực sự xác định việc ấm lên ở đâu hưởng lợi, ở đâu chịu thiệt hại. Do đó, khi nói về bền vững là nói về dài hạn.
Ngoài ra, ESG có rất nhiều khuôn khổ được báo cáo, khoảng 600 khuôn khổ khác nhau khiến cho doanh nghiệp không biết theo khuôn khổ nào. Trong khi nếu làm thực sự về tính bền vững thì ngoài báo cáo giám sát hàng năm (monitoring report) - báo cáo mang tính input, thì doanh nghiệp phải đánh giá tác động định kỳ (evaluation report) - báo cáo mang tính outcome, tuy nhiên đánh giá tác động này tại Việt Nam rất ít doanh nghiệp làm được.
Một điểm nữa là ESG đứng về lập trường cổ đông (shareholder); trong khi tính bền vững liên quan đến đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, ô nhiễm môi trường… tức là đứng về stakeholder (các bên liên quan có liên hệ mật thiết với doanh nghiệp như cổ đông, nhân viên, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh… – PV). “Stakeholder và shareholder là hai khái niệm xung đột với nhau, Vậy thì mình doanh nghiệp ở giữa phải làm thế nào?”, chuyên gia nêu vấn đề.
Ảnh: Tiến Vũ
|
Một khái niệm mà ông Việt Anh cho rằng còn khiếm khuyết nữa là “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai" – trích từ Brundtland Report (Our Common Future) của Liên Hợp quốc 1987. Song vấn đề là nhu cầu xã hội của 50 năm sau khác với bây giờ ra sao; nhu cầu của thế hệ Y, Z, Alpha không giống hiện tại; đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ, nhưng còn sự công bằng trong cùng thế hệ thì thế nào. “Không ai trả lời được” – chuyên gia nhận định.
Chuyên gia ESG đánh giá, sự bình đẳng trong cùng thế hệ quan trọng hơn rất nhiều so với sự công bằng giữa các thế hệ. “Bởi nếu chúng ta không giải quyết được các vấn đề bình đẳng của thế hệ bây giờ thì làm sao chúng ta giải quyết được các vấn đề bình đẳng cho thế hệ khác. Do vậy, ngay bản thân khái niệm này của Liên Hợp Quốc đã khiếm khuyết”.
Phát triển hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn
Và bây giờ, khi khái niệm bền vững được nâng cấp và cải tiến để gần gũi hơn với thực tế. Cha đẻ của kinh tế học sinh thái, Herman E. Daly, nói rằng: “Phát triển mà không tăng trưởng”, hay có thể hiểu là làm sao để có thể phát triển mà không bị ám ảnh bởi mục tiêu tăng trưởng.
Chuyên gia lý giải phát triển mà không tăng trưởng, tức không tăng trưởng thông lượng tài nguyên, thay vào đó hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. “Không tuần hoàn nghĩa là không rác thải (zero waste), và không phát thải (zero emission). Và khi chúng ta nói đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững mà chỉ nói về biến đổi khí hậu, trong khi thực tế biến đổi khí hậu gắn liền với năng lượng. Và năng lượng lại là một trong những ngành kinh doanh siêu lợi nhuận”.
Liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ông Việt Anh dẫn một số quan điểm nổi tiếng trên thế giới.
"Trách nhiệm xã hội duy nhất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận" – theo nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel Milton Friedman.
"Lợi nhuận với doanh nghiệp như hơi thở cho cuộc sống” – theo chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị Peter Drucker.
"Tài chính là ngôn ngữ của kinh doanh” – theo tỷ phú Warren Buffett.
"Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều sẽ ra đi” – theo nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes.
Vị Tiến sĩ ESG nêu một số đơn cử như việc vào giữa tháng 10 vừa qua, TSMC cho biết lợi nhuận của tập đoàn tăng 54% nhờ sự bùng nổ của chip AI. “Điều này có nghĩa tăng phát thải khí nhà kính, carbon. Trong khi doanh nghiệp từng cam kết giảm phát thải với những lời hứa hẹn hoành tráng”.
Trong 4 năm liên tục, Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã xếp hạng TSMC ở mức AAA (HM:AAA), cao nhất. Được đánh giá là Hội đồng quản trị dân chủ, hiệu quả, EBITDA tốt nhưng không bao gồm phát thải carbon.
CEO Larry Fink của BlackRock đã công khai bỏ thuật ngữ "ESG" vào tháng 6/2023, nhưng vẫn duy trì lập trường về các vấn đề bền vững. Điều này cho thấy sức ép từ sự giám sát của thị trường và quy định, cũng như áp lực phải đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong quá trình chuyển đổi phát triển bền vững của tổ chức. Khi các vấn đề xã hội trở nên chia rẽ hơn, và thậm chí là chính trị hóa cao độ (Mỹ), ngày càng có nhiều tổ chức áp dụng các chính sách trung lập, trở nên kiệm lời và dè đặt hơn vì sợ làm mất lòng các bên liên quan.
Gã khổng lồ ngành năng lượng BP vào đầu tháng 10 vừa qua, tuyên bố từ bỏ mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu để thiết lập lại chiến lược, ngay lập tức giá cổ phiếu tăng. Năm 2001, BP đã tiến hành tái định vị thương hiệu với khẩu hiệu mới "Beyond Petroleum" (Landor), hứa hẹn một sự chuyển đổi bền vững hơn. Nhưng nay BP đang đảo ngược các cam kết của mình đối với mục tiêu khử cacbon, chuyển đổi xanh.
Ảnh: Tiến Vũ
|
Năng lực động sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập lợi thế cạnh tranh bền vững
Theo học thuyết của Carroll, lợi nhuận là trách nhiệm đầu tiên của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có trách nhiệm trước hết phải không thua lỗ. Khi thua lỗ, doanh nghiệp trở thành gánh nặng của xã hội, doanh nghiệp đã chuyển rủi ro qua cho xã hội gánh những khoản nợ và hậu quả của nó.
Thứ hai là trách nhiệm pháp luật, việc thu lợi nhuận dựa trên sự tuân thủ pháp luật, không lừa dối, không trốn thuế.
Thứ ba là trách nhiệm đạo đức liên quan đến môi trường, xã hội: phải tuần thủ quyền cơ bản của con người, quyền được sống của muôn loài, không được phép hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, xả thải ra môi trường đê tăng lợi nhuận cho bản
Thứ tư là trách nhiệm thiện nguyện, chia sẻ với xã hội. Điều quan trọng là doanh nghiệp làm từ thiện bằng lợi nhuận hợp pháp, thu nhập chính đáng. Điều này khác với lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi.
Cuối cùng là trách nhiệm chuyển giao, đào tạo đội ngũ kế thừa thành công.
Do đó, có rất nhiều câu hỏi về khuôn khổ nào cho những doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta vẫn phải theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Việt Anh, việc đầu tiên là phải tuân thủ pháp luật và thu lợi xứng đáng. Bên cạnh đó, chúng ta phải có sự hội nhập, đặc biệt trong kỷ nguyên số và độ mở của nền kinh tế hiện nay. Trước bối cảnh giao thương toàn cầu, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà không có hợp tác với bên ngoài thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ làm được. Do đó, tư duy quản lý ngày hôm nay cần phải cởi mở hơn, vị Tiến sĩ nói và đánh giá rằng: “Cởi mở hơn để tạo đòn bẩy nhờ nguồn lực bên ngoài, từ tài chính, công nghệ, cho đến các mối quan hệ. Bởi chúng ta phải giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến toàn bộ các khuôn khổ đấy, doanh nghiệp không thể giải quyết một mình. Thứ hai là chúng ta cởi mở về tư duy và lắng nghe, lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe phản biện từ những phân đoạn, nếu chúng ta không có thười gian lắng nghe hết toàn bộ”.
Quay trở lại với báo cáo bền vững, theo ông Việt Anh, phải tuân thủ hai khía cạnh gồm: những tác động của doanh nghiệp lên môi trường và những việc phải giải quyết. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng bên ngoài tác động vào doanh nghiệp phải được quản lý và đo lường. Hai điều này có nghĩa là chúng ta phải quản lý được rủi ro bên ngoài tác động vào doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu và tránh tác động gây hại cho xã hội, “Chúng ta cần ưu tiên chứ không dàn trải”, vị chuyên gia nói.
Một tiêu chuẩn được ông Việt Anh đề cập đến là ISO về trách nhiệm xã hội, đây là tiêu chuẩn, cả thế giới đều có thể hiểu. Còn ESG hiện chỉ mới ở mức khái niệm, hoặc hơn nữa là framework (quy tắc, nguyên tắc – PV), ai cũng có thể giải thích được theo cách của riêng mình.
Chìa khoá ở đây chính là năng lực động, sẽ giúp tổ chức thiết lập được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách điều chỉnh nguồn lực và năng lực của mình theo sự biến động của môi trường kinh doanh.
Tiến Vũ