Vietstock - Hết đường cho nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ
Quy định phải có văn bản xác nhận được quyền thay mặt hãng sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam được xem là điều kiện dẫn đến "đóng cửa" hoàn toàn cơ hội nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với các nhà kinh doanh nhỏ lẻ, không chính thức.
Quy định mới của Nghị đĩnh 116/2017 được cho là không khác nào điều kiện trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, dẫn đến đóng cửa hoàn toàn với các nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ, không chính thức -Ảnh minh họa: Quốc Hùng
|
Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định 116/2017 được Chính phủ ban hành ngày 17-0 rồi. Như vậy, quy định mới này tiếp tục siết doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ.
Khoản 2 Điều 15 của Nghị định 116 quy định điều kiện nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam, theo các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không chính thức là điều kiện bất khả thi với họ.
Các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này chẳng khác nào yêu cầu phải có giấy chỉ định là nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất như quy định trong Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương trước đây vốn hạn chế quyền nhập khẩu ô tô đối với nhiều thương nhân trong nhiều năm qua. Tức là chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng mới có thể xin được cam kết này từ nhà sản xuất.
Giải thích về việc này, các nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ cho rằng thông thường các hãng xe nước ngoài thường chỉ cấp giấy xác nhận triệu hồi cho một đơn vị được họ chỉ định phân phối chính thức. Do đó, những đơn vị nhập khẩu không chính hãng sẽ không thể có được văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được nhà sản xuất ở nước ngoài ủy quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng quy định về nhập khẩu ô tô như tại Nghị định 116 được xem như cánh cửa nhập khẩu ô tô đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không chính thức bị đóng lại hoàn toàn. Bởi lẽ những doanh nghiệp nhập khẩu không chính thức thường nhập khẩu ô tô qua trung gian và không có mối liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất. Vì vậy, bất cứ những quy định nào đặt ra yêu cầu phải có cam kết của nhà sản xuất được xem như là điều bất khả thi đối với các nhà nhập khẩu không chính thức, kinh doanh nhỏ lẻ.
Kể từ tháng 11-2016, kinh doanh ô tô được xếp vào các ngành kinh doanh có điều kiện và đã có hiệu lực từ đầu tháng 7-2017. Chiếu theo đó, những quy định trong Thông tư 20 không còn hiệu lực và thời hạn thực thi, tức là ngoài các quy định về đăng kiểm, hồ sơ, giấy phép kinh doanh,... các doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện mà cơ quan chức năng đưa ra mới được kinh doanh và Nghị định 116/2017 này sẽ quy định những điều kiện đó.
Như vậy, sự kỳ vọng của người tiêu dùng về việc nới lỏng điều kiện nhập khẩu ô tô nguyên chiếc để không dẫn đến độc quyền kinh doanh của một nhà nhập khẩu với chính thương hiệu ô tô đó đã không xảy ra. Bởi lẽ trên thị trường một khi có nhiều đơn vị được nhập khẩu kinh doanh cùng một thương hiệu thì thị trường sẽ cạnh tranh hơn. Từ đó giá cả, phí dịch vụ cũng sẽ tốt hơn và người tiêu dùng được nhiều lựa chọn hơn.
Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn có hai hình thức kinh doanh ô tô nhập khẩu. Ngoài các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô như Trường Hải, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, Ford Việt Nam… có thêm chức năng nhập khẩu chính thức của các hãng xe, thì thị trường còn có các nhà nhập khẩu phân phối chính thức của các hãng xe như Subaru, Volkswagen, BMW, Audi, Porsche… Một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ không chính thức đã lần lượt rời thị trường kể từ Thông tư 20 có hiệu lực.
Quốc Hùng