Vietstock - Hàng không đua mở đường bay ngoại, ai có lợi?
Nhu cầu thị trường nội địa có xu hướng bão hòa khiến các hãng hàng không đẩy mạnh mở đường bay quốc tế giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn, kích cầu du lịch
Chị Minh Thiên (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) vừa kết thúc chuyến du lịch Đài Loan tự túc trên chuyến bay của Vietjet (HM:VJC). Sắp tới, chị dự kiến đặt vé máy bay đi Nhật cũng của hãng hàng không này, sau khi Vietjet liên tục mở đường bay thẳng đến xứ sở hoa anh đào.
"Gần đây các hãng hàng không nội địa dồn dập mở đường bay thẳng tới những điểm đến du lịch nổi tiếng ở Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc… giúp hành khách có thêm sự lựa chọn. Thuận lợi nhất là các đường bay mới có giá khá rẻ, bay thẳng thay vì phải quá cảnh như trước. Việc mua vé, đổi trả cũng dễ dàng hơn vì là hàng không nội địa" - chị Thiên nói.
Hành khách làm thủ tục tại ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh minh hoạ
|
Chỉ trong gần 2 tháng qua, Vietjet đã khai trương hàng loạt đường bay quốc tế từ Hà Nội, TP HCM tới các điểm đến ở Nhật, Hàn Quốc. Như với Nhật Bản, đến giờ Vietjet đang khai thác 3 đường bay thẳng. Ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc Vietjet, cho biết việc mở thêm đường bay thẳng thứ 3 đến Nhật Bản (Hà Nội - Tokyo), tiếp sau 3 đường bay Hà Nội - Osaka và TP HCM - Osaka sẽ mang thêm một lựa chọn di chuyển cho người dân và du khách.
Du khách từ Tokyo nói riêng và từ vùng Kanto của Nhật Bản đến Hà Nội, từ đó chuyển tiếp đến các địa danh du lịch nổi tiếng thế giới của Việt Nam như Sapa, Vịnh Hạ Long, Tràng An, Hang Sơn Đoòng… Vietjet cũng khai trương đường bay kết nối đảo ngọc Phú Quốc với Seoul, Hàn Quốc, khởi hành mỗi ngày/chuyến khứ hồi. Chỉ tính riêng Vietjet, đến hết năm 2018, hãng này đã có tới 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế, phủ khắp các điểm đến nước ngoài như Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc.
Trước đó, Vietnam Arilines cũng mở đường bay thẳng giữa Đà Nẵng – Osaka (Nhật Bản) với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần bằng máy bay Airbus A321. Đây là đường bay thứ 11 của hãng đến Nhật, sau các đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng tới các thành phố lớn Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka.
Lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản tăng mạnh thời gian qua đã kích thích nhu cầu đi lại của du khách, người dân. Vietnam Airlines hiện là hãng vận chuyển lớn nhất trên đường bay trực tiếp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản với trung bình 70 chuyến bay một tuần.
Theo đại diện Jetstar Pacific, việc có thêm các đường bay quốc tế sẽ giúp hành khách có thêm lựa chọn, đi lại thuận tiện thông qua đó góp phần kích thích du lịch phát triển. Hiện tại Jetstar Pacific đang có các đường bay đến Singapore, Bangkok (Thái Lan), Đài Loan, Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc) và Osaka (Nhật Bản ) kết nối cùng Vietnam Airlines và Jetstar Group đến trên 80 điểm đến trên thế giới.
Với Vietjet, lãnh đạo hãng này cho biết chiến lược phát triển mạng bay quốc tế được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu về ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước. Hãng có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng các đường bay trong khu vực và đã ký kết hợp đồng mua sắm tàu bay thế hệ mới, hiện đại với các nhà sản xuất máy bay uy tín trên thế giới.
Tăng cạnh tranh, hỗ trợ du lịch phát triển Theo các công ty du lịch, giá tour cấu thành từ nhiều dịch vụ, trong đó chi phí hàng không luôn chiếm tỉ trọng lớn, ước khoảng từ 50% trên tổng giá dịch vụ. Do đặc thù nên hàng không có tính tương tác rất cao với du lịch ở nhiều khía cạnh từ tục pháp lý (visa), đối tác cung cấp dịch vụ tour, phương tiện vận chuyển kết hợp.... Và giá thành là yếu tố cốt lõi, kế tiếp là chất lượng phục vụ và dịch vụ. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST Tourist, cho rằng tỉ lệ hủy chuyến của hàng không càng cao sẽ làm du khách nản lòng, nên đây là yếu tố các hãng cần khắc phục để nâng sức cạnh tranh. Sự ra đời của các tuyến bay mới theo các chặng quốc tế sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh, hỗ trợ và đồng hành cùng các hoạt động xúc tiến sản phẩm, điểm đến của doanh nghiệp lữ hành. Khi các đường bay mới được mở thêm, các hãng lữ hành cũng sẽ tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn với giá hợp lý. |
Bài-ảnh: Thái Phương