Vietstock - Hải quan bối rối khi hoàn thuế cho cháu bé 9 tuổi mua đồng hồ 6 tỷ
Cục Hải quan Hà Nội đang lúng túng không biết cháu bé 9 tuổi có đủ tư cách đứng tên trên hóa đơn và được hoàn thuế hay không.
Cục Hải quan Hà Nội vừa xin ý kiến Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) về trường hợp một cháu bé quốc tịch Australia 9 tuổi đứng tên trên tờ khai hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Cháu bé đứng tên trên tờ khai đề nghị hoàn VAT với tư cách là người mua hàng cho chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục Hải quan Hà Nội cho biết, Thông tư 72 của Bộ Tài chính về hoàn thuế với người nước ngoài chưa quy định cụ thể về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế. Do đó, đơn vị này chưa biết xử lý trường hợp này ra sao.
"Cháu bé 9 tuổi có đủ tư cách đứng tên trên hóa đơn VAT kiêm tờ khai hoàn thuế và có hoàn thuế cho đối tượng này hay không", Cục Hải quan Hà Nội đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Cục Hải quan Hà Nội cho biết, cũng gặp khó với các trường hợp người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đã được cấp thẻ tạm trú dài hạn đề nghị hoàn thuế khi xuất cảnh. Sau đó họ lại trở lại Việt Nam và mang theo tài sản đã được hoàn thuế.
Một trong số đó là trường hợp của ông Hwang Gi Sun, quốc tịch Hàn Quốc, có đề nghị hoàn thuế cho chiếc đồng hồ đeo tay trị giá gần 4.4 tỷ đồng hôm 3/1. Ngày 15/1, ông Hwang xuất cảnh từ Nội Bài đi Thái Lan mang theo chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế. Tuy nhiên, đến 16/1, ông này nhập cảnh trở lại Việt Nam và cầm theo đồng hồ trên.
Cục Hải quan Hà Nội cho biết, trong hóa đơn đặt vé máy bay của ông thể hiện cả chiều đi từ Việt Nam đến Thái Lan và ngược lại. Vì vậy, Cục xin ý kiến Tổng cục Hải quan rằng, đối tượng này có được hoàn thuế hay không, và nếu được hoàn thuế thì phương pháp theo dõi như thế nào.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Hà Nội cũng chỉ ra vướng mắc về cách ghi thông tin hàng hóa trên hóa đơn của các doanh nghiệp như trường hợp của công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam. Doanh nghiệp này phát hành các hóa đơn VAT kiêm tờ khai hoàn thuế có ghi các thông tin hàng hóa chung chung, một số trường hợp chỉ ghi "hàng may mặc, phụ kiện" hoặc áo, túi... kèm mã sản phẩm quản lý của công ty mà không có nhãn hiệu của sản phẩm.
Louis Vuitton Việt Nam đã giải thích, các mã sản phẩm được in trên nhãn giấy và có thể được đính kèm hàng hóa hoặc đặt bên trong hàng hóa, hộp đựng. Ngoại trừ một số mặt hàng có mã được trên sản phẩm hoặc đính kèm sản phẩm từ khi sản xuất là kính, cà vạt, khăn, tất cả sản phẩm khác đều không có mã in trên sản phẩm.
Theo Cục Hải quan Hà Nội, khi kiểm tra thực tế, cán bộ hải quan sẽ đối chiếu giữa mã sản phẩm trên hóa đơn với mã sản phẩm trên nhãn giấy rời (các nhãn này không được đính kèm sản phẩm). Đơn vị này không biết có thực hiện hoàn thuế cho khách hàng khi đã sử dụng sản phẩm, không còn hộp đựng hay không.
"Các trường hợp ghi chung chung như hàng may mặc, phụ kiện, nếu mã sản phẩm đã phù hợp có được chấp nhận không? Việc công ty không ghi nhãn hiệu của sản phẩm trên hóa đơn và chỉ ghi chung chung như trên có được chấp nhận không", Cục Hải quan Hà Nội ý kiến.
Thông tư 72 quy định, người nước ngoài xuất trình hóa đơn và hàng hóa để kiểm tra chậm nhất 30 phút trước giờ khởi hành. Thời điểm này trùng với thời gian hành khách lên máy bay. Vì vậy, Cục Hải quan Hà Nội đề xuất, không quy định về thời gian hoặc kéo dài thời gian quy định phải xuất trình hóa đơn và hàng hóa để kiểm tra.
Cục cho biết, đối với các hàng hóa có giá trị lớn, số tiền hoàn thuế cao đòi hỏi phải kiểm tra kỹ chứng từ, hàng hóa, thì quy định trên không phù hợp. Đồng thời, cán bộ hải quan không đủ thời gian kiểm tra dẫn đến chậm chuyến bay của khách.
Anh Tú