Vietstock - Gỗ Việt đối mặt với rủi ro lẩn tránh thuế từ gỗ Trung Quốc
Đã có doanh nghiệp Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách điều tra gian lận xuất xứ.
Chưa thấy cơ hội ngành gỗ đã đối mặt thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Chí Nhân
|
Trong khi cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan về tương lai tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và các hiệp định thương mại tự do (EVFTA/CPTPP) thì các chuyên gia lại cho rằng, cơ hội là chưa rõ ràng nhưng rủi ro rất lớn và Việt Nam thể bị liên luỵ nếu bị Mỹ nghi ngờ gian lận xuất xứ. Đó là nội dung cuộc hội thảo về ngành gỗ diễn ra ngày 7.12 tại TP.HCM do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức.
Cơ hội không thực sự lớn
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa, nhận định: gỗ của Trung Quốc đang chịu thuế 10% khi xuất vào thị trường Mỹ. Con số này có thể tăng lên 25% trong thời gian tới nếu căng thẳng thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục. Đây là cơ hội lớn cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ vì thuế suất mặt hàng này của chúng ta vào Mỹ chỉ từ 0-4% tùy theo mặt hàng.
Cẩn trọng hơn, chuyên gia về tự do thương mại, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phân tích : Chênh lệch thuế 10% là đủ lớn để các doanh nghiệp cân nhắc việc dịch chuyển đơn hàng đối với các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp như ván dán, ván dăm. Nếu chênh lệch thuế lên đến 25% sẽ diễn ra sự dịch chuyển đơn hàng ở cấp độ lớn, kể cả đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận cao như gỗ nội thất, thậm chí là xem xét dịch chuyển đầu tư.
“Vấn đề cần bàn ở đây là xu hướng đó có thực sự lớn và thực sự bền vững hay không và nếu như nó xảy ra, Việt Nam nên đón nhận nó như thế nào?”, ông Khánh đặt vấn đề. Theo ông Khánh, độ lớn và độ bền vững của xu hướng này nếu có sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là, mức thuế mà Hoa Kỳ đánh vào sản phẩm của Trung Quốc. Hai là thời gian kéo dài cuộc chiến. Tuy nhiên, những diễn biến mới cho thấy, vẫn chưa có gì là chắc chắn cả. Khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận vẫn tồn tại. Vì vậy, có lẽ vẫn còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là "cơ hội lớn" cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Mỹ điều tra gỗ Việt
Một yếu tố nữa được các chuyên gia lưu ý là nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để "lẩn tránh" mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây. Người Mỹ sẽ không ngại ngần áp một mức thuế "chống lẩn tránh" lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. “Trên thực tế, Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra một vụ việc "lẩn tránh" như vậy đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ván dán từ Việt Nam. Bộ Công Thương đang theo dõi sát vụ việc này và cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh mức thuế trên thị trường Mỹ hay không”, ông Khánh thông tin.
Mỹ đang điều tra một doanh nghiệp Việt Nam vì nghi ngờ gian lận xuất xứ
Chí Nhân
|
Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Khánh kết luận: Cơ hội là có nhưng có thể không lớn như ta tưởng. Đồng thời, cơ hội đó có thể đi kèm với rủi ro đòi hỏi tất cả chúng ta, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đều phải hết sức chú ý. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hải quan và các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp để chống lại hành vi "lẩn tránh" thuế. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi kêu gọi không tiếp tay cho các hành vi "lẩn tránh", đồng thời tăng cường quan sát, theo dõi thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có sự bất thường. Tránh để ngành gỗ Việt Nam, thay vì nắm bắt được cơ hội, lại trở thành nạm nhân bất đắc dĩ trong xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Cơ hội thực sự từ khai thác gỗ hợp pháp Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng cơ hội thực sự của VN là khai thác, chế biến gỗ hợp pháp để tận dụng các cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn trên thế giới. Việt Nam cần chú trọng thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ mới được ký với EU vào tháng 10 vừa qua. Nếu thành công trong việc thực thi FLEGT, cơ hội to lớn sẽ mở ra cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, không chỉ trên thị trường EU mà còn ở cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật Bản. Có những điều tưởng như là sức ép là thách thức như tuân thủ Hiệp định FLEGT, nhưng nếu ta tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn thì đây lại chính là cơ hội. |
CHÍ NHÂN