Vietstock - Giảm sở hữu chéo, Vietcombank sắp thoái toàn bộ vốn tại Saigonbank và Tài chính Xi măng
Giá khởi điểm bán đấu giá toàn bộ 4.3% vốn tại Saigonbank và 10.91% vốn tại Tài chính Xi măng lần lượt là 12,550 đồng/cp và 11,549 đồng/cp. Nếu chào bán thành công, Vietcombank dự kiến thu về hơn 242.5 tỷ đồng.
Ngày 20/10, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) công bố đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng do UBCKNN cấp đối với cổ phiếu của Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng - CFC (ngày 13/10) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Saigonbank (16/10).
Việc bán và phương án chào bán phần vốn của Vietcombank tại Saigonbank và CFC đã được HĐQT Ngân hàng phê duyệt trước đó vào cuối tháng 8/2017.
Tháng 11/2017, Vietcombank sẽ chào bán công khai toàn bộ cổ phiếu sở hữu tại Saigonbank và CFC nhằm giải quyết tình trạng sở hữu chéo.
|
Theo đó, Vietcombank sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ hơn 13.2 triệu cp Saigonbank đang sở hữu, tương đương 4.3% vốn với giá khởi điểm 12,550 đồng/cp. Đồng thời chào bán toàn bộ 6.6 triệu cp đang sở hữu tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), tương đương 10.91% vốn với giá khởi điểm 11,549 đồng/cp.
Mục đích chào bán nhằm tuân thủ thông tư số 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức thực hiện bán đấu giá là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và phương pháp tính giá căn cứ Chứng thư thẩm định giá số 5450717/TV-IVC ngày 31/07/2017 do CTCP Thẩm định giá IVC Việt Nam ban hành.
Thời gian bán đấu giá vào ngày 20/11/2017 tại HNX. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 23/10 đến 13/11/2017.
Một số khoản góp vốn đầu tư dài hạn khác của Vietcombank tính đến cuối năm 2016
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 của Vietcombank
|
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Vietcombank tổ chức hồi tháng 4/2017, đề cập đến việc hiện Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 TCTD vượt quá số lượng theo quy định, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong số 5 khoản đầu tư thì chỉ có khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) là đáng kể (Vietcombank đang sở hữu 7.16% vốn tại MBB và 8.19% vốn tại Eximbank).
Đối với 3 khoản đầu tư vào 3 tổ chức tín dụng còn lại, vốn đầu tư của Vietcombank rất ít, không quá 300 tỷ đồng gồm: 5.07% vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), 4.3% vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, SGB) và 10.91% vốn tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng. Ông Thành cho biết, năm vừa qua, Ngân hàng rất muốn thoái tại 3 đơn vị này nhưng chưa tìm được giá phù hợp. Trước mắt, Vietcombank sẽ tập trung rút vốn tại 3 đơn vị tài chính trên.
Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ trình xin ý kiến việc thoái vốn tại Eximbank, nếu bán thành công thì Ngân hàng sẽ có được khoản lợi nhuận rất lớn khoảng 700 tỷ đồng. Đối với khoản đầu tư vào MBB, Vietcombank vẫn xin giữ lại do MBB đang hoạt động tốt và chia cổ tức đều mỗi năm.
Saigonbank và CFC làm ăn ra sao?
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2017 của Saigonbank, mặc dù chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cùng tăng, nhưng lãi từ các hoạt động đều tăng trưởng mạnh dẫn đến kết quả kinh doanh được cải thiện trong kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Ngân hàng ghi nhận 231 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng; cùng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận trước thuế sau 3 quý đầu năm của Sagonbank đã thực hiện hơn 85% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thu nhập ở hầu hết các hoạt động đều tăng từ 10-15%. Thu nhập lãi thuần đạt 506 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 27.5 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng mang về xấp xỉ 16 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận từ hoạt động khác ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên 25% lên 33 tỷ đồng.
Tính đến 30/09/2017, tổng tài sản có của Saigonbank đạt 20,268 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 13,408 tỷ đồng; cùng tăng trên 6% so với cuối năm 2016. Tiền gửi của khách hàng không thay đổi nhiều, đạt 14,461 tỷ đồng.
Nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn cùng cao hơn so với cuối năm 2016, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2.63% lên 2.75%, khá sát mức trần 3% theo quy định của NHNN mặc dù cơ cấu nợ của Saigonbank chủ yếu là nợ ngắn hạn. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành giảm nhẹ xuống 669 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng 325 tỷ đồng. Tiền gửi tại NHNN của Saigonbank tính đến cuối quý 3/2017 đã tăng gấp đôi lên 937 tỷ đồng.
Năm 2017, Saigonbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 23,140 tỷ đồng, dư nợ cho vay 14,800 tỷ đồng, huy động vốn đạt 18,600 tỷ đồng; cùng tăng 18% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch ở mức 270 tỷ đồng, tăng trưởng 55%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chia cho cổ đông là 5%, tỷ lệ an toàn vốn duy trì ở mức 15-16%.
Còn Công ty Tài Chính Cổ phần Xi Măng (CFC) hiện mới chỉ công bố BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2017. Thu nhập lãi thuần sụt giảm, vẫn lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác, trong khi chi phí hoạt động tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của CFC giảm một nửa xuống chỉ còn 5 tỷ đồng. Chi phí hoạt động chiếm tới 60% thu nhập lãi thuần của Công ty.
Tính đến 30/09/2017, nợ có khả năng mất vốn của CFC tăng đột biến lên 19.5 tỷ đồng, cuối năm 2016 chỉ khoảng 142 triệu đồng.
Phân tích dư nợ theo chất lượng của CFC
BCTC soát xét 6 tháng đầu năm
|
CFC có 3 cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Vietcombank và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL, TVN) với tỷ lệ góp vốn là 61.5%.
Vietcombank đạt lãi trước thuế 9 tháng hơn 7,900 tỷ đồng, nợ xấu giảm còn 1.15%
Vietcombank cũng vừa công bố BTTC hợp nhất quý 3/2017. Các hoạt động trong 9 tháng đầu năm đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ: Thu nhập lãi thuần hơn 16,000 tỷ đồng (tăng 18%), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hơn 1,900 tỷ đồng (tăng 24%), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1,700 tỷ đồng (tăng 9%), hoạt động khác cũng mang về gần 1,500 tỷ đồng (tăng 29%).
Chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng 26% lên 9,400 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xấp xỉ cùng kỳ, dừng ở mức 4,500 tỷ đồng.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 7,900 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế hơn 6,300 tỷ đồng; cùng tăng trưởng 25%. Như vậy, Vietcombank đã thực hiện được 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 chỉ sau 9 tháng.
Tính riêng trong quý 3, Ngân hàng đạt 2,679 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31% so với cùng kỳ; lãi ròng sau thuế 2,144 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2017, tổng tài sản có của Vietcombankdừng ở mức 898,484 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2016. Huy động vốn và cho vay khách hàng cùng tăng 16% lên lần lượt 688,000 tỷ và 536,059 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu sau 9 tháng ở mức 1.15%, giảm so với con số 1.51% cuối năm trước nhờ nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh. Được biết, Vietcombank đã hoàn tất mua lại toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2016.
Gần đây nhất (16/10), Ngân hàng vừa chi gần 2,900 tỷ đồng trả cổ tức 2016 cho các cổ đông, tỷ lệ 8%. Đồng thời bổ nhiệm ông Thomas William Tobin nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành khối dịch vụ bán lẻ. Đây là nhân sự lãnh đạo là người nước ngoài đầu tiên, trực tiếp tham gia điều hành và phát triển kinh doanh, trong lịch sử gần 55 năm hoạt động của Vietcombank.
Thu Phạm