Vietstock - Giải pháp quan trọng giúp ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng
Việc khách hàng cung cấp hoặc để lộ thông tin cá nhân, tài khoản… để tội phạm lợi dụng và lừa đảo là nguyên nhân chính, vì vậy truyền thông là giải pháp rất quan trọng hiện nay, để giúp người dân, khách hàng nắm và sử dụng dịch vụ tốt, đồng thời ý thức tốt hơn về trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân.
Xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển ngân hàng số là tất yếu khách quan trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, trong quá trình này, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp: Từ cơ chế chính sách, quy trình nội bộ, kiểm soát rủi ro đến các giải pháp công nghệ để bảo mật thông tin và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hoạt động này đã và đang được ngành ngân hàng tổ chức triển khai thực hiện tốt. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về phát triển dịch vụ ngân hàng số; bảo mật an toàn trong hoạt động thanh toán; quy định về trách nhiệm của các bên trong mở và sử dụng tài khoản, sử dụng thẻ ngân hàng… Trong khi đó, các TCTD cũng đã đưa ra nhiều giải pháp công nghệ và giải pháp quản trị rủi ro để mang lại cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, tiện ích và thuận lợi nhất trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ nói chung và lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền nói riêng, với xu hướng ngày càng hiện đại hơn, tiện ích hơn và an toàn bảo mật, hiệu quả cho khách hàng và người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn phát sinh những trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng. Hiện tượng lừa đảo chính vẫn là những chiêu thức cũ, nhưng hình thức khác nhau, với mục đích lấy được thông tin khách hàng.
Qua thống kê và phản ánh từ các ngân hàng thương mại, việc khách hàng cung cấp hoặc để lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản… để tội phạm lợi dụng và lừa đảo là nguyên nhân chính, vì vậy truyền thông là giải pháp rất quan trọng hiện nay, để giúp người dân, khách hàng nắm và sử dụng dịch vụ tốt, đồng thời ý thức tốt hơn về trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân. Tuy nhiên, để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả cao, cần có giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước; sự phối hợp với ban ngành liên quan và từ chính các TCTD để hoạt động truyền thông trở thành thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đánh giá trước hết, đối với các TCTD, là các đơn vị cung cấp dịch vụ cho người dân, khách hàng thì hoạt động truyền thông được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, một yêu cầu trong công tác quản trị, phát triển dịch vụ ngân hàng và chuyển đổi số hiện nay.
Thứ nhất, ngoài việc thông tin, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, việc thông tin tuyên truyền để người dân, khách hàng nắm bắt và nhận diện được những loại hình, những chiêu thức lừa đảo và tội phạm công nghệ… có liên quan cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để khách hàng sử dụng hiệu quả dịch vụ ngân hàng. Để làm tốt giải pháp này, cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan công an để nắm bắt và cập nhật tình hình, từ đó có giải pháp truyền thông hiệu quả.
Thứ hai, không chỉ qua kênh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các hoạt động chuyên đề mà hoạt động truyền thông nên được phối hợp và lồng ghép trên nhiều lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của TCTD như: thông qua dịch vụ chăm sóc khách hàng, đôn đốc nhắc nhở khách hàng; thông qua giao dịch ngân hàng trực tiếp, kể cả qua hoạt động tín dụng và phát triển khách hàng lồng ghép nội dung tư vấn, tuyên truyền… Quá trình này cần được xây dựng và tổ chức xuyên suốt trong toàn hệ thống, trở thành nhiệm vụ, nghiệp vụ về thông tin tuyên truyền, làm tốt như hoạt động tư vấn, tìm kiếm và mở rộng khách hàng của một số TCTD đã và đang làm hiện nay.
Thứ ba, trong toàn hệ thống TCTD để mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng có ý thức trách nhiệm trong phòng chống tội phạm, trong phòng ngừa rủi ro… từ đó, thông tin tư vấn tốt cho khách hàng. Giải pháp này đem ý nghĩa lớn và có giá trị về mặt giáo dục tư tưởng, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng, qua đó góp phần quan trọng vào việc phát triển hiệu quả dịch vụ ngân hàng, với phương châm: cán bộ nhân viên ngân hàng và khách hàng ý thức trách nhiệm cao phòng chống tội phạm ngân hàng; trong sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn và bảo mật. Để thực hiện giải pháp này tốt, mỗi TCTD cần chủ động phối hợp với cơ quan công an tại địa bàn, tổ chức thông tin, tuyên truyền và thực hành về nhiệm vụ của “phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”.
Sự chủ động trong công tác truyền thông được xem là nhiệm vụ quan trọng, với tinh thần đáp ứng dịch vụ ngân hàng tốt nhất, hiệu quả, an toàn và bảo mật, cùng trách nhiệm sử dụng dịch vụ và bảo mật thông tin của khách hàng, của người sử dụng dịch vụ ngân hàng, sẽ góp phần mang đến sự phát triển ổn định và bền vững, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao có hiệu quả.
Hàn Đông