Investing.com -- Tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn thấp hơn giá bán can thiệp của NHNN khoảng 50 đồng. Trong khi tỷ giá trung tâm được NHNN tăng phiên thứ tư liên tiếp, lên mức cao kỷ lục.
Phiên giao dịch hôm nay (15/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm thêm 8 đồng lên mức cao mới 24.298 VND/USD. Đây là phiên tăng thư tư liên tiếp của tỷ giá trung tâm với tổng mức tăng từ đầu tuần đến nay là 35 đồng.
Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch nằm trong khoảng từ 23.083 - 25.513 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá mua - bán USD được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 14/11 ở mức 25.400 VND/USD, tăng 57 đồng so với phiên 13/11 và đưa tổng mức tăng từ đầu năm lên hơn 4,7%. Như vậy, tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn thấp hơn giá bán can thiệp của NHNN khoảng 50 đồng. Thông thường, khi tỷ giá liên ngân hàng vượt giá bán can thiệp, các nhà băng sẽ bắt đầu mua USD từ Nhà điều hành.
Trước đó, từ chiều ngày 24/10, NHNN đã tăng giá bán USD can thiệp niêm yết tại Sở Giao dịch lên 25.450 VND/USD. Đồng thời, theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, Nhà điều hành đã có thông báo tới các ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức tỷ giá 25.450 VND/USD – bằng mức giá can thiệp được NHNN đưa ra hồi tháng 4/2024.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.
Những diễn biến này, theo bà Hồng đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. "Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra kinh tế và nguồn thu có được", bà Hồng nói.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%.
"Khi thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.
Trên thị trường giữa ngân hàng và người dân, tỷ giá USD/VND tiếp tục được các nhà băng tiếp tục tăng sát trần trong phiên sáng hôm nay. Theo khảo sát lúc 10h, tất cả ngân hàng lớn hiện đều niêm yết giá bán USD tại 25.512 VND/USD, chỉ thấp hơn 1 đồng so với trần được phép giao dịch và là mức cao nhất lịch sử.
Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã liên tục niêm yết ở mức sát, thậm chí kịch trần cho phép trong hơn 3 tuần qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%. Riêng trong tháng 10 và tháng 11, VNĐ đã mất hơn 3% giá trị so với USD.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức duy trì ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng vọt lên gần 107 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang chịu sức ép lớn từ thị trường quốc tế và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng, NHNN đang triển khai cả hai công cụ là phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để 'ghìm cương' tỷ giá, tương tự giai đoạn quý 2 và đầu quý 3 vừa qua. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kìm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VNĐ trên thị trường liên ngân hàng.