Vietstock - Facebook (NASDAQ:FB) đối diện những ngày tồi tệ nhất lịch sử
Một trong những công ty công nghệ đầy quyền lực tại Thung lũng Silicon, Facebook, đang oằn mình đối phó với hàng loạt bê bối.
Ngày 4/2/2004, khi còn là sinh viên ĐH Harvard, Mark Zuckerberg cùng bạn bè là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes lập nên "Facebook". 4 năm sau, mạng xã hội này giúp chàng trai 23 tuổi Zuckerberg trở thành tỷ phú tự thân (không phải do thừa kế) trẻ nhất trong lịch sử.
Tháng 6/2017, Facebook công bố có hơn 2 tỷ người mỗi tháng dùng sản phẩm mạng xã hội của họ. Ngoài ra, công ty còn mua lại các sản phẩm phổ biến của giới trẻ khác như Instagram (mạng xã hội chia sẻ hình ảnh), WhatsApp (tin nhắn). Hiện có 6.000 người trong tổ chức an ninh Facebook hoạt động tích cực để đảm bảo an toàn cho 80.000 nhân viên, lực lượng lao động nòng cốt của công ty này trên khắp thế giới.
Bị điều tra hình sự trong ngày... sập toàn cầu
Thông tin bị điều tra hình sự xuất hiện trong lúc Facebook đang vật lộn để khôi phục hình ảnh của mình trước công chúng, sau một loạt scandal rò rỉ dữ liệu cá nhân người dùng cũng như việc truyền bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook nhiều lần gặp phải bê bối rò rỉ dữ liệu. |
Cuộc điều tra nhắm các tới thỏa thuận của công ty này cho phép Apple (NASDAQ:AAPL), Amazon.com Inc (NASDAQ:AMZN) và Microsoft (NASDAQ:MSFT) truy cập vào dữ liệu người dùng cá nhân, gồm danh sách bạn bè, thông tin liên hệ và đôi khi cả tin nhắn riêng tư. Không phải lúc nào việc truy cập này cũng có sự đồng ý của người dùng, tờ New York Times đưa.
Một bồi thẩm đoàn lớn ở New York đã tiến hành lập hồ sơ từ ít nhất hai nhà sản xuất thiết bị thông minh để thảo luận về những vấn đề pháp lý bí mật. Cả hai công ty này đã hợp tác với Facebook và có được quyền truy cập thông tin của hàng trăm triệu người dùng. "Chúng tôi đang phối hợp điều tra một cách nghiêm túc. Chúng tôi đã cung cấp lời khai công khai, trả lời các câu hỏi và tiếp tục làm theo các yêu cầu", một phát ngôn viên của Facebook nói với Business Insider.
Đó là chưa kể, Facebook đối mặt với "double trouble" khi mạng xã hội này bị sập toàn cầu vào đêm 13/3 và kéo dài đến sáng 14/3 (giờ Hà Nội). BBC cho biết, lần gần nhất Facebook bị "sập" với quy mô rộng toàn cầu và lâu như vậy đã là từ năm 2008, nhưng khi ấy họ mới chỉ có 150 triệu thành viên, còn hiện số người dùng hàng tháng lên tới 2,3 tỷ.
Ngoài ra, theo DownDetector ghi nhận, số lượng khiếu nại của người dùng về sự cố sập mạng vừa qua đã lên đến hơn 12.000.
Cán bộ cấp cao từ chức ngay trong đêm
Ngay trong ngày Facebook đối mặt với việc bị điều tra hình sự, Mark Zuckerberg thông báo 2 lãnh đạo sẽ rời khỏi công ty: Giám đốc sản phẩm Chris Cox và Giám đốc WhatsApp Chris Daniels. Thông tin này gây ngạc nhiên bởi đây đều là những người nắm vai trò quan trọng tại Facebook, đặc biệt là Chris Cox.
Chris Cox được xem là một trong những người thân cận nhất với ông chủ Zuckerberg. Ông gia nhập Facebook năm 2005 với tư cách là 1 trong 15 kỹ sư phần mềm đầu tiên. Ông là người đứng sau nhiều sản phẩm lõi của Facebook, bao gồm News Feed. Mùa xuân năm trước, Chris Cox được giao thêm nhiệm vụ giám sát WhatsApp, Messenger và Instagram. Ông còn được giao phụ trách đào tạo cho các nhân sự mới, cũng như hỗ trợ xây dựng chiến lược toàn bộ sản phẩm của Facebook. Cox được xem là nhân vật có quyền lực thứ ba tại Facebook, chỉ sau CEO Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg.
Chris Cox tuyên bố rời Facebook khi CEO Facebook vừa công bố định hướng chiến lược mới, tập trung vào "quyền riêng tư". Vị trí Giám đốc sản phẩm hiện chưa có người thay thế. Những người đứng đầu các ứng dụng của Facebook trước đó báo cáo cho Cox giờ đây sẽ làm việc trực tiếp với Zuckerberg.
Cox không nêu lý do trực tiếp nhưng thư tạm biệt làm dấy lên mâu thuẫn giữa ông và người đứng đầu Facebook. "Như Mark đã chỉ ra, chúng ta đang bước sang một trang mới về định hướng sản phẩm, tập trung hơn vào mạng lưới nhắn tin có mã hóa. Đây là tầm nhìn hợp lý với những vấn đề quan trọng hiện nay, một nền tảng liên lạc có sự cân bằng giữa sự an toàn, bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư. Đây là một dự án lớn, và chúng ta sẽ cần những người lãnh đạo muốn thực hiện định hướng này", Cox chia sẻ trong bức thư tạm biệt.
Còn Zuckerberg cho biết ông Cox - cánh tay phải đắc lực- đã lên kế hoạch rời đi trong "một vài năm" trước nhưng vẫn ở lại để giúp xử lý các vụ bê bối và khủng hoảng liên tiếp của mạng xã hội này. "Tôi rất biết ơn về những gì Chris Cox và Chris Daniels đã làm ở đây. Chúng ta còn rất nhiều công việc quan trọng phía trước và đây cũng là cơ hội cho những vị lãnh đạo cảm thấy hào hứng với con đường phía trước và sẵn sàng nhận lấy những vị trí mới, to lớn hơn", ông chủ Facebook viết.
Trước đó vài tháng, cả 2 người sáng lập WhatsApp là Jan Koum và Brian Acton đã dứt áo ra đi sau những bất đồng với Zuckerberg.
Theo danh sách các tỷ phú mới nhất do Forbes công bố hôm 5/3, tài sản ròng của Mark Zuckerberg giảm 8,6 tỷ USD trong năm qua. Cổ phiếu của Zuckerberg tại Facebook có lúc đã mất 1/3 giá trị khi công ty này vướng phải bê bối về quyền riêng tư, bảo mật. Với tài sản ròng ước tính 64,5 tỷ USD, Zuckerberg rớt 3 bậc, xuống thứ 8 trong danh sách top 10 người giàu nhất thế giới. Ông chủ công ty công nghệ đầy quyền lực cũng đã đánh mất danh hiệu tỷ phú tự thân vào nữ người mẫu Kylie Jenner, 21 tuổi với khối tài sản một tỷ USD.
Tất nhiên, đó chỉ là một trong số những điều mà Facebook đang phải đối diện.
Huyền Anh (theo BI, NYT)