Vietstock - Dược liệu chỉ toàn là bã
Dược liệu Trung Quốc được chiết xuất hết chất bên trong trước khi tuồn bán sang Việt Nam
Thị trường dược liệu toàn là bã, chẳng còn chất gì bên trong nên mất hết công dụng bồi bổ hay phòng chống bệnh - thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Gian lận thương mại - Hệ lụy và giải pháp" do Công ty Truyền thông Quốc tế Hàn - Việt tổ chức ở TP HCM ngày 16-1.
Vàng thau lẫn lộn
PGS-TS Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam đồng thời là Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết Việt Nam có rất nhiều dược liệu quý nhưng bị người Trung Quốc vào tận thôn, bản thu mua hết. Họ không cần chở dược liệu về Trung Quốc mà tiến hành chiết xuất tại chỗ, hút hết các hoạt chất sinh học có trong dược liệu. Chẳng hạn cây dâm dương hoắc rất quý chỉ có ở vùng cao, người Trung Quốc chiết xuất hết tinh chất, chỉ còn lại xác cây. Người dân đem xác cây này bán tiếp, về đến "chợ" dược liệu ở quận 5, TP HCM bán ra chỉ 30.000 đồng/kg (trong khi loại dược liệu này có giá đến vài triệu đồng/kg).
Dược liệu không rõ nguồn gốc từng bị QLTT TP HCM tịch thu tiêu hủy. Ảnh: NGỌC ÁNH
|
Cũng theo ông Do, hầu hết dược liệu của Trung Quốc xuất bán sang Việt Nam cũng toàn là bã, rác vì đã bị lấy hết dược chất. Loại "dược liệu" dỏm này lại được đưa sang Việt Nam với giá bán khá rẻ nên tiêu thụ mạnh. Việt Nam cũng xuất bán dược liệu sang Trung Quốc dưới dạng thô, nguồn hàng này cũng bị rút sạch tinh chất rồi quay ngược về Việt Nam để bán tiếp ra thị trường cho người Việt sử dụng.
Các loại thực phẩm chức năng đang tiêu thụ trên thị trường cũng trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn", chưa được kiểm soát và đang được quảng cáo quá mức, sai sự thật. Các sản phẩm chức năng "made in Vietnam" chỉ mới tiêu thụ trong nước, chưa đủ điều kiện xuất khẩu, thậm chí sản xuất không đúng với chất lượng như nội dung đăng ký công bố sản phẩm. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Đến năm 2016, có 1.872 cơ sở sản xuất với 3.447 sản phẩm và con số này hiện nay đã cao hơn rất nhiều.
Ông Do thông tin có quá nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nhưng đến thời điểm này chỉ vài cơ sở được chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP). Trong khi ở các nước, thực phẩm chức năng được lưu hành phải đạt 4-5 chứng nhận. Theo quy định, từ ngày 1-7-2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng GMP. "Cơ sở muốn sản xuất theo GMP phải đầu tư 30-40 tỉ đồng. Nhiều nơi sẽ không đáp ứng được và tìm cách sản xuất "chui", tung hàng dỏm ra thị trường" - ông Do lo ngại.
Mối nguy từ các khu thương mại xuyên biên giới
Nói về tình trạng gian lận thương mại, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, nhiều quy định luật pháp chưa rõ ràng, minh bạch nên gian lận thương mại có đất sống. Trong điều kiện như vậy, Việt Nam có đường biên giới dài nên thương mại qua biên giới trở thành thách thức lớn.
Còn theo TS Đinh Hoàng Thắng, Phó Viện trưởng Viện những vấn đề phát triển Việt Nam, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ nếu sử dụng công nghệ cao khó sản xuất được đặt hàng ở nước ngoài; những mặt hàng đơn giản thì sản xuất trong nước tại các khu công nghiệp, làng nghề. Các đối tượng kinh doanh hàng giả còn mua lại hàng hết hạn sử dụng rồi tẩy xóa, sửa lại hạn sử dụng mới. Cũng theo ông Thắng, Việt Nam và Trung Quốc hiện có 7 khu thương mại xuyên biên giới, những tranh chấp kinh tế trong cuộc chiến Mỹ - Trung có thể thúc đẩy sự phát triển của những khu thương mại này. Hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại đây có thể mang nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam để tránh thuế khi vào Mỹ.
Để hạn chế gian lận thương mại, theo ông Thiên, cần thiết kế lại hệ thống, triệt tiêu cơ chế xin - cho. Pháp luật cần nghiêm minh, rõ ràng, minh bạch kèm theo đó là ứng dụng quản trị hiện đại để quản lý tốt hơn và liên kết, phối hợp với quốc tế, kể cả doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới.
NGUYỄN HẢI