Vietstock - Đằng sau bức tranh tín dụng tăng cao
Tăng trưởng tín dụng có diễn biến mới khác biệt trong năm 2024 khi tăng nhanh và đồng đều. Nhưng đằng sau câu chuyện mở rộng tín dụng, những rủi ro cũng cần được tính đến.
Tín dụng tăng trưởng cao và được đánh giá là đồng đều trong năm qua. Ảnh minh họa: DNCC |
Tín dụng tăng trưởng tốc độ cao
Đi gần hết chặng đường năm 2024, tín dụng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Tính đến ngày 13-12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, và tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tại TPHCM, nơi chiếm gần 30% thị phần tín dụng cả nước, tổng dư nợ trên địa bàn tính đến cuối tháng 11 đã tăng 1,14% so với tháng trước, tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và 12,5% so với cùng kỳ.
Bức tranh tín dụng tại TPHCM cũng có điểm sáng riêng khi dư nợ tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11, riêng tháng 11 tăng 3,14%. “Tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng tích cực”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá.
Theo ông Lệnh, thông thường các tháng cuối năm khả năng hấp thụ vốn tốt hơn do tổng cầu tăng. Các hoạt động kinh tế phục vụ dịp lễ, tết thường có nhu cầu vốn ngắn hạn, vòng quay nhanh và hiệu quả.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV (HM:BID), tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng lên đến 14-15%, cũng là vùng tăng cao nhất trong khu vực. Điều này này cho thấy mức độ hấp thụ vốn “tốt hơn, đồng đều hơn”. “Năm nay tín dụng rải đều hơn là yếu tố tích cực thay vì dồn vào 2 tháng cuối năm như thường thấy”, ông Lực bình luận.
Tín dụng tăng nhanh trong bối cảnh cơ quan quản lý có sự điều chỉnh về chính sách trong năm 2024. Theo đó, NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, công khai nguyên tắc xác định chỉ tiêu. Hạn mức được điều chỉnh tăng lên hai lần vào cuối tháng 8 và tháng 11 vừa qua.
Dòng vốn cũng được đẩy ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang duy trì xu hướng giảm, với mức giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023 (trước đó đã giảm 2,5%/năm trong năm 2023). Lãi suất điều hành được giữ nguyên trong bối cảnh tỷ giá tăng cao được xem là nỗ lực lớn của NHNN trong việc ghìm lãi suất cho vay, vốn chịu áp lực vào cuối năm khi lãi suất huy động bắt đầu tăng lên.
Ước tính từ các báo cáo tài chính quí 3 từ các tổ chức tín dụng cũng cho thấy lãi suất cho vay trung bình các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 2,7 điểm phần trăm từ mức đỉnh vào quí 1-2023, thời điểm thị trường gặp khó khăn về thanh khoản. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua, theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS.
Thận trọng với rủi ro
Với con số tăng trưởng tín dụng hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá hạn mức tăng trưởng 15% chung của nền kinh tế vào cuối năm 2024 là không khó để đạt được. Con số này cũng được cho là phù hợp với mức tăng trưởng GDP trong năm 2024 với ước tính khoảng 7%.
Nhưng có một vấn đề là mục tiêu tăng trưởng GDP năm sau đặt ra cũng ở mức cao, thậm chí còn “phấn đấu” cao hơn năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng tín dụng cho năm sau cũng sẽ phải duy trì ở mức cao.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, chính sách tín dụng hiện nay đang “phục vụ” cho nhu cầu tăng trưởng GDP cao. “Định hướng chính sách tiền tệ hiện nay hỗ trợ tăng trưởng GDP, tuy nhiên câu hỏi lớn là liệu có giữ được hay không”, ông Thành bình luận.
Theo đó, điều này sẽ còn phụ thuộc nhiều vào việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhanh hay mạnh đến mức nào. Fed giảm mạnh lãi suất, cũng như việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ dẫn đến cơ hội để NHNN giảm lãi suất, theo ông Thành.
Một trong những rủi ro vĩ mô dễ thấy nhất là lo ngại về lạm phát cao khi chính sách tiền tệ mở rộng. Điều may mắn trong năm nay là lạm phát được các chuyên gia đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Mặt khác, một lưu ý khác là áp lực thanh khoản hệ thống khi tín dụng tăng nhanh hơn là lượng vốn huy động, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực tỷ giá buộc NHNN điều tiết cung tiền thận trọng hơn.
Thanh khoản cũng là câu chuyện cần được lưu ý trong năm sau, khi các ngân hàng vẫn chịu áp lực xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và gia hạn nợ trong năm nay. Áp lực thanh khoản cũng sẽ gia tăng khi tăng trưởng tín dụng hiện nay cao hơn là tăng trưởng cung tiền M2, tức lượng cung tiền thực tế ra thị trường, theo nhóm phân tích của Mirae Asset.
Trong khi tín dụng được đẩy ra thị trường, một mảng cho vay khác của ngân hàng là thông qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể “ấm” trở lại. Báo cáo của Mirae Asset cho thấy quy mô thị trường tiếp tục thu hẹp, hiện chiếm 6,6% tổng tín dụng đối với nền kinh tế do khối lượng phát hành mới thấp trong khi lượng đáo hạn và chủ động mua lại vẫn tiếp diễn. “Cần phải đồng bộ hơn, quan tâm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp chứ không chỉ tín dụng vì đã tăng cao rồi”, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cần xem lại cách thức đẩy tiền ra thị trường.
Cuối cùng là sự lo ngại về đích đến của dòng vốn vay. Dư nợ các ngành bất động sản và liên quan đang tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng của ngành, trong đó có cả nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như khoản vay cá nhân, nhờ một số dự án đủ điều kiện triển khai và mở bán. Trong khi đó, điểm cần cải thiện là dòng vốn chảy vào lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là hạ tầng còn khiêm tốn do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng.
Dũng Nguyễn