Vietstock - Đại biểu Quốc hội đề xuất ưu đãi thuế cho báo chí
Góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đề xuất ưu đãi thuế cho lĩnh vực báo chí.
Ngày 22-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh về mức 15% (giảm 5% so với hiện hành). Riêng loại hình báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện nay.
Thảo luận tại tổ vào sáng cùng ngày về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn cho báo chí để vượt qua các khó khăn, làm tốt nhiệm vụ chính trị.
Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu tại tổ. Ảnh: Văn Phúc
|
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí, thay vì 10% như trong dự thảo luật.
Nhấn mạnh báo chí là lĩnh vực quan trọng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang quá cao với lĩnh vực này. Do đó, ông đề nghị xem xét ưu đãi thuế mạnh hơn cho báo chí.
Theo quan điểm của đại biểu Trần Hoàng Ngân, có thể áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa. Vị đại biểu cũng đề xuất phương án xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để lĩnh vực này vượt qua khó khăn.
Sở dĩ có đề xuất trên, ông Trần Hoàng Ngân cho biết báo chí có đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên mặt trận thông tin, tư tưởng, báo chí góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Ông Ngân cũng nêu thực tế thời gian qua, với sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, nguồn thu của các cơ quan báo chí sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các yêu cầu về chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ tại các cơ quan báo chí đòi hỏi nguồn lực lớn.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất ưu đãi thuế cho báo chí. Ảnh: Văn Phúc |
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đề xuất bổ sung thêm ưu đãi tính thuế cho toàn ngành báo chí, không chỉ riêng báo in. Thực tế, tại TP HCM có một số cơ quan báo chí như Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Người Lao Động, Báo Tuổi trẻ, Báo Phụ nữ TP HCM đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm cả ưu đãi vay vốn để phát triển hạ tầng, xây dựng các tòa nhà cao tầng.
Theo bà Trần Thị Diệu Thuý, các tòa nhà này không chỉ được sử dụng để phục vụ hoạt động báo chí như vận hành báo in, mà còn cho thuê để tạo nguồn thu bù đắp chi phí vận hành. Sau đó, các cơ quan báo chí sẽ sử dụng phần đó để phục vụ cho báo in, vận hành tòa soạn.
Chính những hoạt động này giúp có nguồn thu quay trở lại để đảm bảo chi phí hoạt động cho tờ báo trong bối cảnh quảng cáo, phát hành báo in giảm sút, quảng cáo báo điện tử cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội.
Tuy nhiên theo đại biểu Trần Thị Diệu Thuý, cách tính thuế của các cơ quan thuế đối với việc quản lý tòa nhà lại phân ra phần nào trong tòa nhà phục vụ cho báo chí thì được ưu đãi, còn với những phần cho thuê tòa nhà sẽ bị tính theo quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường.
Vì vậy, bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét, có quy định để hưởng ưu đãi thuế với tất cả các hoạt động liên quan đến vận hành tòa nhà của các cơ quan báo chí, kể cả phần cho thuê, như một phần trong tổng thể hoạt động của báo chí.
Theo đại biểu, đây là giải pháp thiết thực để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Minh Chiến - Văn Duẩn