17 công ty báo lỗ, ngành chứng khoán lộ rõ sự phân hóa
Investing.com - “Bạn cần kho hàng ở Mỹ? Mexico thì sao? Gửi hàng sang châu Âu chứ?”
Tại Triển lãm Thương mại điện tử Xuyên biên giới Quốc tế Thâm Quyến lần thứ 10, các nhân viên bán hàng — chủ yếu nói tiếng Trung — tích cực tiếp thị dịch vụ logistics. Một công ty thậm chí còn thuê người mẫu ngoại quốc mặc váy ánh bạc lấp lánh đi quanh hội trường để thu hút sự chú ý.
Sự kiện này là một trong những hoạt động lớn nhất trong năm cho các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng ra nước ngoài qua mạng, đặc biệt là vào thị trường Mỹ. Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang tạm lắng, nhiều công ty Trung Quốc tỏ ra háo hức thâm nhập thị trường Mỹ. Nhưng cuộc chơi hiện nay đã khác.
“30 năm qua giúp doanh nghiệp Trung Quốc rất thành thạo trong việc tích hợp chuỗi cung ứng,” bà Tina Hsu – đối tác tại startup AIGC Empower – chia sẻ. “Nhưng giờ đây, nếu có công cụ giúp kể chuyện tốt hơn, chạm được cảm xúc người tiêu dùng, thì doanh nghiệp Trung Quốc có thể phát triển thương hiệu riêng, vận hành dài hạn và sinh lời cao hơn.”
Startup của bà Hsu vừa giới thiệu hai sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh tại sự kiện phối hợp cùng Amazon (NASDAQ:AMZN) và Wayfair ở Chu Hải: một hệ thống nghiên cứu thị trường địa phương và một công cụ tạo hình ảnh quảng cáo. Gói dịch vụ có giá từ 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.390 USD)/sản phẩm/năm và đã nhận được khoảng 100 đơn đặt hàng. Tuy nhiên, bà thừa nhận không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu được tầm quan trọng của thương hiệu, ngoại trừ những người đã từng du học hoặc tiếp xúc thị trường phương Tây.
“Không có điểm khác biệt rõ ràng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ rất khó tồn tại ở thị trường quốc tế trong 30 năm tới,” bà cảnh báo.
Đầu tư nhiều hơn cho quảng cáo
Dù các tên tuổi lớn như Temu hay Shein chiếm phần lớn sự chú ý trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc nhỏ hơn cũng đang đẩy mạnh bán hàng trực tiếp ra nước ngoài — một phần do cạnh tranh nội địa ngày càng khốc liệt.
“Mỹ vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và là đích đến của hầu hết người bán xuyên biên giới,” ông Lý Hiểu Minh, quản lý phân phối tại công ty phần mềm Miao Shou, cho biết. Công ty của ông cung cấp công cụ giúp người bán theo dõi dữ liệu từ nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau.
Mặc dù các doanh nghiệp đã mở rộng sang các thị trường khác, nhưng họ vẫn giữ lại nguồn lực để chờ cơ hội tái đầu tư vào Mỹ nếu điều kiện cải thiện trong vài tháng tới.
Theo Miao Shou, đến tháng 6/2025, công ty có tổng cộng 800.000 khách hàng, trong đó có 200.000 doanh nghiệpmới tham gia trong 6 tháng qua. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi giá trị giao dịch qua nền tảng trong năm nay.
Trong môi trường cạnh tranh như vậy, xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing hiệu quả là yếu tố sống còn.
“Làn sóng thuế lần này sẽ định hình lại thị trường, loại bỏ các công ty chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ mà không đầu tư vào chất lượng sản phẩm,” ông Bear Huo – Giám đốc FundPark tại Trung Quốc – nhận định. FundPark là công ty fintech được hậu thuẫn bởi Goldman Sachs và HSBC, chuyên cho doanh nghiệp Trung Quốc vay vốn khi bán hàng ra nước ngoài.
Hiện FundPark là đối tác cho vay chính thức của một số người bán Trung Quốc trên Walmart, và đang hướng đến mối quan hệ tương tự với Amazon. Ông Huo cho biết, các doanh nghiệp đang tăng mạnh chi phí quảng cáo, lên đến 20% giá trị giao dịch, tăng đáng kể so với mức 3–5% năm 2023.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng quảng cáo chỉ tạo ra doanh số ngắn hạn, còn xây dựng thương hiệu là một chiến lược dài hơi, đòi hỏi sự bền bỉ và sáng tạo — điều mà nhiều công ty vẫn đang né tránh.
Pháp lý – mảnh ghép thiếu trong xây dựng thương hiệu
Một số doanh nghiệp Trung Quốc tin rằng họ đã có tiềm lực để xây dựng thương hiệu, nhưng lại thiếu công cụ pháp lý để tự bảo vệ. Các vụ kiện nhắm vào người bán Trung Quốc từ các đối thủ lâu năm có thể khiến họ phá sản.
Để giải quyết vấn đề này, một nhóm thương nhân Trung Quốc đang hợp tác phát triển nền tảng bảo hiểm pháp lý chi phí thấp. Theo ông Jack Zhang – Tổng thư ký mảng bảo hiểm pháp lý thuộc Hiệp hội TMĐT Xuyên biên giới Thâm Quyến – nền tảng sẽ gom các vụ kiện thành từng nhóm hàng nghìn vụ để thương lượng chi phí dịch vụ thấp hơn với các hãng luật Mỹ. Ông kỳ vọng đạt mốc 1.000 vụ kiện vào giữa năm sau.
Tại triển lãm, nhiều công ty cũng chào mời dịch vụ đăng ký doanh nghiệp, tuân thủ pháp lý, đăng ký thương hiệu Mỹ (chỉ khoảng 485 USD, được giảm giá còn 335 USD). Tuy nhiên, đa phần vẫn cạnh tranh bằng cách sao chép nhau và giảm giá, cho thấy khái niệm "thương hiệu" vẫn chưa thực sự bám rễ.
(Theo CNBC)