Vietstock - CPTPP: Việt Nam hưởng lợi từ thời điểm nào?
CPTPP chính thức có hiệu lực với 6 quốc gia đầu tiên là Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore vào ngày 30.12.2018.Hiệp định này sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào giữa tháng 1.2019.
>> Ngày 30/12, CPTPP chính thức có hiệu lực
Nhiều sản phẩm sẽ được giảm thuế về 0% khi CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Công Hân
|
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam tham gia CPTPP, cho biết (tại một hội thảo gần đây ở TP.HCM): Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 12.11 vừa qua. Ngày 15.11, tại Papua New Guinea, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao thông báo cho Chính phủ New Zealand về việc Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14.1.2019 (hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi chính thức thông báo - PV), chính thức mở ra các thị trường mới đối với các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Hiệp định.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi nhiều mặt hàng xuất khẩu vào các thị trường này nhờ thuế quan điều chỉnh giảm về 0% ngay khi có hiệu lực. Mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất chính là gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Cụ thể tại thị trường Canada các sản phẩm ván sàn, gỗ thanh đang chịu thuế 3,5%; ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ đang chịu thuế 6%-9%... sẽ về 0% trong vòng chưa đầy nửa tháng nữa. Điều này diễn ra tương tự với các nước thành viên khác và một số mặt hàng khác.
Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32%/năm và tăng đến 4,04% đến vào năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.
EVFTA được tách thành 2 hiệp định nhỏ
Bên cạnh CPTPP, năm 2019, Việt Nam còn đón chào một cơ hội thị trường lớn khác là Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA); kết thúc đàm phán vào cuối 2015. Hai bên đã dành nhiều thời gian và công sức để rà soát pháp lý Hiệp định. Công việc đã hoàn tất vào đầu 2017 và lẽ ra Hiệp định đã được ký vào năm 2017.
Tuy nhiên, do có sự diễn giải mới về thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định tại Liên minh châu Âu nên Việt Nam và EU đã phải làm lại một số công đoạn, tách Hiệp định đã ký thành 2 Hiệp định riêng biệt, một quy định về bảo hộ đầu tư (được gọi là Hiệp định Đầu tư), một quy định về các vấn đề còn lại (được gọi là Hiệp định Thương mại). Tiến trình tách 2 Hiệp định tuy không quá khó nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề kỹ thuật khiến 2 bên mất tới gần một năm để hoàn thành.
Tới nay, việc tách Hiệp định đã xong, khâu dịch thuật sang hơn 20 thứ tiếng của Liên minh châu Âu và tiếng Việt cũng đã hoàn tất, Ủy ban châu Âu đã trình 2 Hiệp định sang Hội đồng châu Âu để xin phê chuẩn cho ký chính thức. Việt Nam cũng đang tiến hành các thủ tục nội bộ để có thể chính thức ký 2 Hiệp định. Cả hai bên cùng hy vọng sẽ ký được 2 Hiệp định vào đầu quý 1/2019, sau đó trình ra Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam để xin phê chuẩn. Sau khi hiệp định này có hiệu lực nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất vào thị trường này sẽ được điều chỉnh thuế về 0%. Điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU.
Ông Khánh cũng lưu ý: Cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 là rất lớn. Tuy nhiên đi kèm với cơ hội là thách thức khi mà phần lớn các thị trường này đều là thị trường cao cấp; họ đòi hỏi chất lượng sản phẩm, tính bền vững thân thiện với môi trường cũng như cộng đồng… Doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng tốt các cơ hội thị trường mới với điều kiện đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tính bền vững của sản phẩm.
Chí Nhân