Vietstock - Công ty cho vay tiêu dùng 'tiến hóa'
Gần đây các tập đoàn bán lẻ lớn như Aeon hay Lotte lần lượt mua lại các công ty tài chính tiêu dùng trong nước để phát triển mảng dịch vụ tài chính trong chuỗi giá trị hoạt động tại Việt Nam.
Lãnh đạo Công ty dịch vụ tài chính Aeon (AFS), thuộc tập đoàn Aeon Nhật Bản mới đây cho biết, tập đoàn này sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính.
Một nguồn tin cho biết, công tài chính mà AFS đang tiếp cận là HAFIC – Công ty tài chính Handico, được thành lập từ năm 2005 bởi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội.
Làn sóng tham gia thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam không phải là mới. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, hàng loạt các tổ chức tài chính liên tục tìm cách nhảy vào thị trường này.
Gần đây nhất, tháng 10/2018, Công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance) ra mắt thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động của EVN Finance.
Trước đó, giữa năm 2018, Công ty Tài chính TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội ( SHB (HN:SHB) Finance) cũng đã gia nhập thị trường sau thời gian dài chuẩn bị. Công ty Tài chính CP Xi măng cũng đổi tên thành Công ty Tài chính Tín Việt và ra mắt thương hiệu cho vay tiêu dùng VietCredit .
Trong khi đó, Ngân hàng SeABank đã rót 710 tỷ đồng mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện (PT Finance), dù công ty này thua lỗ gần hết vốn chủ sở hữu.
Không chỉ có nhà đầu tư nội, thị trường cho vay tiêu dùng đang hấp dẫn với các tổ chức tài chính nước ngoài. Tháng 10/2017, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã mua lại Techcom Finance trong một thương vụ M&A trị giá 1.700 tỷ đồng.
Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 cũng đã mua lại 49% vốn của Công ty Tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB). Shinhan Card rót hơn 3.420 tỷ đồng mua Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) sau khi đã sở hữu thương hiệu Ngân hàng ANZ Việt Nam.
Các công ty tài chính tiêu dùng sẽ phải 'tiến hóa' trong một giai đoạn thị trường mới. Ảnh: Thanh Lan
Thống kê của NHNN cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng khoảng 60% trong năm 2017, và dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao để đạt quy mô 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Những đơn vị đang dẫn đầu thị trường là FE Credit, HomeCredit và HDSaison.
Có nhiều yếu tố giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong đó, hai yếu tố chính nằm ở cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Với dân số 95 triệu người, số lượng khách hàng tiềm năng cho các công ty tài chính khai thác vẫn còn rất lớn. Đây là điều hấp dẫn khiến các nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc có nhiều công ty mới tham gia vào thị trường, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng cao. Các sản phẩm cho vay và phương pháp tiếp cận khách hàng cũng sẽ thay đổi theo.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản đang chiếm khá cao, khoảng 38 - 40% tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại TPHCM năm 2018.
Với việc cho vay bất động sản sẽ dần bị siết chặt trong năm nay, tín dụng tiêu dùng được dự báo sẽ chảy sang các kênh khác như bán lẻ, ô tô hay du lịch bên cạnh các sản phẩm truyền thống như vay mua đồ điện tử, điện máy, xe máy.
Đây có thể coi là hướng đi an toàn và bền vững hơn cho thị trường vay tiêu dùng sau quãng thời gian tăng trưởng nóng. Trên thực tế, nhiều công ty tài chính đã chuyển sang cho vay tiền mặt như một trong các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhưng sản phẩm này đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu cao hơn các sản phẩm cho vay mua sắm đồ dùng cá nhân như điện thoại, xe máy.
Tuy nhiên, ở các ngách thị trường mới, những công ty tài chính như FE Credit, HD Saison và HomeCredit nhiều khả năng sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ những công ty tài chính mới.
Lấy trường hợp của Aeon, đơn vị đang sở hữu chuỗi 4 trung tâm thương mại Aeon Mall rất được yêu thích tại Việt Nam. Hàng chục ngàn lượt khách hàng đến mua sắm mỗi ngày biến các TTTM này trở thành mảnh đất tiềm năng để phát triển cho vay tiêu dùng. Song, thay vì tìm kiếm các đối tác thứ 3, Aeon muốn trực tiếp phát triển cho vay tiêu dùng của riêng mình.
Tại hầu hết các quốc gia có đầu tư, Aeon luôn phát triển mảng dịch vụ tài chính với mảng bán lẻ để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình. Lĩnh vực dịch vụ tài chính của Aeon đang hiện diện rộng khắp ở Châu Á từ Nhật Bản đến Hongkong, Đài Loan và các quốc gia Asean với tổng tài sản 88 tỷ USD và doanh thu 74 tỷ USD.
Trước khi tìm mua một công ty tài chính, tập đoàn Aeon đã thành lập tại Việt Nam một công ty mua, bán hàng trả chậm với thương hiệu ACS Việt Nam. Hoạt động từ năm 2008, ACS Việt Nam đã hợp tác với Aeon Mall và một loạt siêu thị điện máy để cung cấp dịch vụ thanh toán trả góp cho các khách hàng. Sự kết hợp giữa HAFIC và nền tảng hoạt động hiện tại của ACS Việt Nam sẽ nhanh chóng đưa mảng cho vay tiêu dùng của Aeon tại Việt Nam phát triển với quy mô lớn hơn.
Rào cản lớn nhất đối với Aeon là việc xử lý các khoản nợ để thâu tóm được HAFIC. Công ty này đã thua lỗ hàng trăm tỷ đồng và bị NHNN áp đặt kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Nếu được chấp thuận mua lại phần lớn cổ phần của HAFIC, AFS sẽ phải đưa ra phương án xử lý khối tài sản xấu tại công ty này và mua lại với một mức giá để các cổ đông Nhà nước tại HAFIC không bị rơi vào cảnh thua lỗ khi thoái vốn.
Mặc dù vậy, việc các nhà bán lẻ xây dựng một công ty tài chính, cho vay tiêu dùng riêng để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình là xu hướng chưa xuất hiện tại Việt Nam. Sau Lotte hay Aeon, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những nhà bán lẻ lớn trong nước như Vinmart hay Thế Giới Di Động tiếp bước.
Trần Anh