Vietstock - Cổ phiếu VietinBank và "dấu hoa thị mới" của ngân hàng Việt
Giá cổ phiếu của VietinBank giảm mạnh gần đây có phải vì một "dấu hoa thị mới"?...
* HSC dự báo VietinBank sẽ lỗ khoảng 765 tỷ đồng trong quý 4/2018
Diễn biến giá cổ phiếu CTG trong một năm qua.
|
Phiên 19/12/2018, cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) có thời điểm chạm giá sàn, sau những thông tin quan trọng đưa ra gần đây.
Những thông tin đó không hẳn hoàn toàn xấu. Một phần trong đó còn liên quan đến một "dấu hoa thị mới" bắt đầu xuất hiện trong hệ thống ngân hàng Việt Nam từ cuối năm nay.
Trước hết, giá cổ phiếu CTG bắt đầu giảm mạnh lên sau phiên đại hội đồng cổ đông bất thường đầu tháng 12 vừa qua. Tiếp đến, tốc độ giảm bị đẩy nhanh hơn từ loạt phiên bán ròng ít thấy của nhà đầu tư nước ngoài tại đây. Và, trong bối cảnh chung, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua đợt điều chỉnh khá mạnh bốn phiên liên tiếp.
Qua phiên đại hội đồng cổ đông bất thường đó, VietinBank đưa ra quyết định bất ngờ, giảm mạnh các chỉ tiêu chính về lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng.
Ngay sau đó, một tổ chức tư vấn đầu tư có báo cáo đề cập đến khả năng ngân hàng này sẽ lỗ lớn trong quý 4/2018, tính toán theo các giả thiết tái cơ cấu…
Và gần đây, các khoản cho vay có quy mô lớn của VietinBank tại một doanh nghiệp có biểu hiện khó khăn trong hoạt động được thông tin ra thị trường.
Song song với dòng chảy những thông tin trên, nhà đầu tư nước ngoài có loạt phiên bán ròng cổ phiếu CTG, từ phiên 11/12 đến 19/12, đặc biệt mức độ bán ròng lớn trong phiên 19/12. Dù vậy, tỷ lệ hở "room" tại đây, sau khi thường xuyên được lấp đầy, cũng chỉ 0,01% theo dữ liệu HOSE.
Trong phiên 19/12, giá cổ phiếu CTG có thời điểm rơi xuống mức sàn, cũng là vùng giá thấp nhất một năm qua. Theo đó, giá cổ phiếu này đã mất khoảng 15% chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chủ yếu từ sau phiên đại hội cổ đông bất thường.
Giá cổ phiếu gắn với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Quyết định hạ chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 nói trên có tác động trọng yếu. Dù không hẳn là "tin xấu", cũng không chắc là tất cả tác động đến giá cổ phiếu, nhưng mối quan hệ ở đây trở nên đáng chú ý, không chỉ tại VietinBank mà ở hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.
Quyết định điều chỉnh trên của VietinBank được giải thích chủ yếu để thực hiện tái cơ cấu, chuẩn bị tập trung cho việc thực hiện các chuẩn mực Basel 2 ngay từ đầu năm 2019.
Theo đó, có thể hiểu Basel 2 là một tấm gương mới, soi rọi sâu hơn thực chất hoạt động của các ngân hàng Việt Nam thời gian qua và hiện nay hay không, hay chỉ riêng tại VietinBank?
Đã có các đầu mối chuyên môn chung nhận định, áp dụng Basel 2 sẽ tác động mạnh mẽ theo hướng "bất lợi" về mặt số học đối với một số chỉ số chính của ngân hàng, như nợ xấu tăng lên với phân loại khắt khe hơn, trích lập dự phòng cao lên dẫn tới ảnh hưởng đến lợi nhuận và các chỉ số sinh lời, hệ số an toàn vốn giảm mạnh so với cách tính trước đó đòi hỏi bù đắp vốn hoặc giảm tài sản có rủi ro, giảm tốc độ tăng tài sản…
Nhìn sang một trường hợp khác. Cách đây hơn một năm, sau khi thực hiện chào bán cổ phần thành công cho nhà đầu tư nước ngoài và thu về nguồn vốn lớn, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi đó trả lời VnEconomy rằng, họ đã sẵn sàng áp dụng Basel 2, nhưng lại chưa làm ngay.
Nguyên do, trong một bình diện chung của hệ thống ngân hàng Việt Nam, "bỗng nhiên" tôi áp Basel 2 khiến các chỉ số cơ bản về mặt cảm quan số học bị "xấu đi" so với các ngân hàng khác áp chuẩn khác, dù bản chất tốt lên, cũng không tiện đi giải thích với khách hàng, mà hoạt động ngân hàng thường nhảy cảm.
Với khác biệt đó, nói một cách hình ảnh, khi áp dụng Basel 2, các ngân hàng có lẽ cần thêm một "dấu hoa thị" để chú giải cho những con số không được đẹp như trước, như nợ xấu tăng lên, hệ số an toàn vốn kém đi…, nhưng chất lượng đã được nâng cấp.
Rồi VPBank cũng đã có hồ sơ gửi lên Ngân hàng Nhà nước xin được áp dụng vào đầu năm 2019. Và vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank (HM:CTG)) và Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đã chính thức áp dụng.
Với Vietcombank và VIB, việc áp dụng Basel 2 vừa qua không gây sóng sánh lớn nào đối với giá cổ phiếu của hai ngân hàng này trên sàn. Riêng trong điểm chung này (bên cạnh các yếu tố nội tại khác của doanh nghiệp đối với giá cổ phiếu), có vẻ cách làm cũng khác với VietinBank.
Vietcombank và VIB đã có quá trình ít nhất khoảng ba năm chuẩn bị, đặc biệt về tái cơ cấu các cân đối tài chính, xử lý nợ và trích lập dự phòng rủi ro, để đến nay áp Basel 2 không gây xáo trộn lớn về mặt kết quả kinh doanh.
Tất nhiên, hai ngân hàng trên có thuận lợi hơn VietinBank về mặt tăng vốn. VIB có mô hình ngân hàng cổ phần tư nhân thực sự để năng động hơn về điểm này. Vietcombank năm trước cũng đã tăng được vốn, dự kiến năm nay cũng sắp hoàn thành bước tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Còn VietinBank, khó khăn nổi bật ba năm qua là không thể tăng vốn điều lệ. Việc áp dụng Basel 2, như trên, với những thông tin được giải thích đến thời điểm này, được dồn lại như mang tính thời điểm cuối 2018, trọng tâm rơi vào lát cắt đối với kết quả kinh doanh quý 4.
Nhưng, áp Basel 2 có phải là "dấu hoa thị" duy nhất trong những điều chỉnh quyết liệt tại VietinBank không? Và nếu soi tâm gương đó vào các ngân hàng thương mại khác chưa áp dụng, những lát cắt lớn tương tự có xẩy ra, hay chất lượng hoạt động thực sự của hệ thống phản ánh thời gian qua chỉ là tương đối?
Còn riêng tại VietinBank, sau lát cắt này, lãnh đạo ngân hàng khẳng định, cũng như trong thông tin phát đi sau đại hội trên, hoạt động kinh doanh sẽ tăng trưởng mạnh trở lại những năm tới.
Minh Đức