Vietstock - Chuyên gia hiến kế doanh nghiệp tìm vốn qua thị trường vốn
Sức ép đối với ngân hàng là rất lớn khi thị trường vốn chưa phát triển. Hầu hết doanh nghiệp chưa có thói quen xây dựng chiến lược sử dụng vốn trung dài hạn mà cứ cần vốn là nghĩ đến đi vay ngân hàng mà chưa quen đi phát hành trái phiếu.
Theo phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện nay sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Ảnh: L.Thanh
|
Trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, tại phiên hiến kế về diễn đàn Tài chính - Tín dụng với chủ đề khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội, ngày 2-5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hiện nay sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập.
Trong khi đó nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về qui mô lẫn chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn khoảng 50,6% tổng dư nợ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Đến cuối năm 2018, quy mô thị trường chứng khoán bằng 110% GDP, trong đó cổ phiếu hơn 72% GDP và thị trường trái phiếu bằng 39% GDP, riêng trái phiếu doanh nghiệp đạt 8,6% GDP.
Dù quy mô vốn hóa đạt 175 tỉ USD nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được cho là chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phát triển.
Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường vốn chưa phát triển, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng nhà nước), là hầu hết doanh nghiệp có thói quen sử dụng vốn ngân hàng, "cứ cần vốn là nghĩ đến ngân hàng".
Về việc mất cân đối thị trường tín dụng và thị trường vốn, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho rằng thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng mỗi năm 25% nhưng quy mô còn nhỏ.
Cụ thể là so sánh tổng tài sản của các hệ thống tín dụng là 199% GDP trong khi tổng tài sản của hệ thống bảo hiểm 7% GDP, công nghiệp quản lý quĩ hiện chỉ 17% GDP.
Có sự chênh lệch về tổng tài sản của các tổ chức tín dụng 139% GDP là tiền gửi của tổ chức và cá nhân, trong đó 79% GDP tiền gửi của các tổ chức.
Vậy làm thế nào để người dân đầu tư vào các quỹ, thay vì gửi tiền vào ngân hàng như hiện nay?
Bà Hiền cho rằng nếu đầu tư vào thị trường vốn hay mua sản phẩm quỹ, gửi tiền ngân hàng thì phụ thuộc vào tâm lý của người dân.
Người dân trước khi quyết định đầu tư thì cái mà họ quan tâm là đầu tư vào đâu có lợi nhất và chi phí ít nhất.
Lãi suất của hệ thống ngân hàng hiện là 7-8%/ năm. Còn đầu tư sản phẩm quỹ như những năm trước 15-17%/ năm, thu hút được các sản phẩm quỹ nhưng những năm gần đây có thấp hơn.
Ở góc độ cơ quan quản lý, phải có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và vốn, lãi suất vốn xuống thì phải đi theo, nếu vênh thì rất khó.
Lê Thanh