Chuỗi cung ứng và chủ quyền quốc gia

Ngày đăng 18:02 27/05/2025
Chuỗi cung ứng và chủ quyền quốc gia

Vietstock - Chuỗi cung ứng và chủ quyền quốc gia

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các đường biên giới kinh tế dần mờ nhạt, mọi quốc gia đều được hưởng lợi nhờ tự do thương mại, phân công lao động quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu. Tưởng chừng như lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo, hay khái niệm "toàn cầu hóa là không thể đảo ngược" từng được xem như lẽ tất yếu, thế nhưng, đằng sau bức tranh hào nhoáng ấy, vẫn có những yếu tố không thể gạt bỏ – đó là chủ quyền quốc gia. Và đại dịch COVID-19 là khoảnh khắc khiến cả thế giới bừng tỉnh.

Chuỗi cung ứng trong đại dịch

Đại dịch COVID-19 như một cú đấm trực diện vào mạng lưới sản xuất toàn cầu hóa. Từ khẩu trang, thuốc hạ sốt cho đến chip máy tính và xe hơi, thế giới chợt nhận ra: hàng hóa không "tự nhiên" có mặt ở siêu thị hay cửa hàng, mà phải đi qua một hành trình phức tạp, trải dài qua nhiều quốc gia.

Khi một mắt xích đứt, cả hệ thống rung chuyển. Theo báo cáo của McKinsey (2021), gần 94% trong số 500 công ty lớn toàn cầu thừa nhận đã gặp phải gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng trong đại dịch. Mỹ từng phải huy động cả không quân để vận chuyển khẩu trang và thiết bị y tế từ châu Á, trong khi châu Âu thiếu trầm trọng thuốc hạ sốt và máy trợ thở. Ngay cả những hãng ô tô lớn như Toyota, Ford (NYSE:F) hay GM cũng buộc phải tạm dừng dây chuyền vì không có linh kiện điện tử – chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Những điều tưởng nhỏ nhặt ấy bỗng phơi bày một sự thật trần trụi: không ai thực sự kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, trừ Trung Quốc.

Sự thức tỉnh của các quốc gia

Mỹ là quốc gia thức tỉnh nhanh và quyết liệt nhất. Với ngành dược, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ (2020), hơn 72% nguyên liệu dược hoạt tính (API) sử dụng tại Mỹ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Khi hai quốc gia này siết chặt xuất khẩu để ưu tiên thị trường nội địa, nước Mỹ – siêu cường số một thế giới – rơi vào cảnh thiếu thuốc, kể cả những loại thiết yếu như paracetamol hay insulin. Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Biden ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu đánh giá lại chuỗi cung ứng 4 ngành chiến lược: dược phẩm, bán dẫn, pin công nghiệp và khoáng sản hiếm. Kết quả là Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS and Science năm 2022, cấp hơn 52 tỷ USD để hỗ trợ ngành bán dẫn, nhằm đưa sản xuất chip trở lại Mỹ.

Các tập đoàn như Intel (NASDAQ:INTC), TSMC, Samsung được khuyến khích đầu tư hàng chục tỷ USD vào nhà máy sản xuất tại Arizona, Texas và New York. Ngành ô tô cũng không nằm ngoài cuộc. Theo báo cáo của Bloomberg, Ford đã mất khoảng 2.5 tỷ USD lợi nhuận năm 2021 do thiếu chip. Tương tự, Apple (NASDAQ:AAPL) bị trì hoãn giao hàng hơn 30 triệu chiếc iphone trong quý 4/2021 vì các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc bị phong tỏa.

Trước tình hình này, chiến lược "Trung Quốc +1" được thúc đẩy: các nhà máy chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia. Ở châu Âu, EU thông qua chiến lược dược phẩm 2020, hướng tới xây dựng năng lực sản xuất API trong khối, cùng lúc xem xét lại luật cạnh tranh để bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược. Pháp và Đức lần lượt cấp vốn cho các công ty dược, y tế và vi mạch nội địa, bất chấp những quy tắc thị trường tự do trước đây.

Thực trạng Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, với dòng vốn FDI tăng mạnh vào các ngành như điện tử, dệt may, lắp ráp thiết bị công nghệ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nền kinh tế cũng bộc lộ mức độ phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu 14 tỷ USD vải, chiếm hơn 60% nhu cầu. Ngành da giày nhập hơn 80% nguyên liệu. Ngành dược, theo Bộ Y tế, có tới 90% nguyên liệu API phải nhập, chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm hơn 60%).

Về mặt công nghệ, gần như toàn bộ chip bán dẫn dùng trong các nhà máy Samsung, LG hay Intel tại Việt Nam đều là hàng nhập khẩu. Các cụm công nghiệp phụ trợ nội địa còn rất yếu, chỉ đáp ứng được 10–30% nhu cầu tùy ngành.

Điều này khiến Việt Nam dễ tổn thương khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp vấn đề. Năm 2022, chỉ một nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa do chính sách "zero COVID" đã khiến hàng ngàn công nhân ở Bắc Ninh và Hải Phòng tạm nghỉ việc.

Kết luận

Lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo hay quan điểm cổ vũ thương mại tự do từng được xem là nền tảng cho trật tự kinh tế toàn cầu. Các học giả như Paul Krugman, Dani Rodrik cũng từng nhấn mạnh hiệu quả của chuyên môn hóa và hội nhập thị trường. Tuy nhiên, đó là thế giới lý tưởng, nơi các quốc gia cùng tuân thủ luật chơi và không xảy ra cú sốc hệ thống. Thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Khi chuỗi cung ứng trở thành công cụ mặc cả trong địa chính trị, thì chủ quyền kinh tế lại là tấm khiên thiết yếu.

Bài học từ Mỹ và châu Âu rất rõ: phải xác định các ngành chiến lược và chủ động năng lực sản xuất nội địa ở mức thiết yếu. Việt Nam cần một chiến lược toàn diện – từ quy hoạch công nghiệp, chính sách thuế, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao đến khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D). Cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Cũng cần lưu ý rằng “làm chủ chuỗi cung ứng” không có nghĩa là đóng cửa hội nhập, mà là tạo năng lực chủ động trong tình huống khẩn cấp. Đó là bảo đảm khả năng sản xuất thiết yếu khi đứt gãy bên ngoài xảy ra, đó là khả năng thay thế khi bị trừng phạt hoặc phong tỏa, đó là quyền tự quyết trong phát triển công nghiệp và công nghệ lõi.

Và đến đây, người ta mới thấm thía câu nói tưởng như cường điệu của Omeed Malik – Chủ tịch 1789 Capital trong một buổi phỏng vấn gần đây cùng với Donald Trump Jr: "Một quốc gia không kiểm soát được chuỗi cung ứng của mình thì không có chủ quyền quốc gia".

LH

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.