Vietstock - Chính sách tiền tệ năm 2025 – dư địa có hẹp dần?
Dù đối mặt với nhiều thách thức và gặp không ít khó khăn tại một số thời điểm, nhưng chính sách tiền tệ năm 2024 vẫn duy trì được định hướng nới lỏng, với tăng trưởng tín dụng tích cực và lãi suất điều hành giữ nguyên. Liệu xu hướng này có tiếp tục được duy trì trong năm 2025?
Năm 2024 nhà điều hành đã kiểm soát cung tiền chặt chẽ hơn, nên làm hạn chế tăng trưởng tiền gửi của hệ thống NHTM. Ảnh: LÊ VŨ |
Áp lực trong năm 2024
Giá vàng nổi sóng, đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên, cơn sốt tiền mã hóa với bitcoin là đại diện, ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự tại chảo lửa Trung Đông hay tác động từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ... đã không chỉ tạo áp lực lên thị trường ngoại hối mà còn lên chính sách tiền tệ. Bất chấp những sức ép này, việc lãi suất điều hành vẫn được giữ ổn định trong năm 2024 là một thành công của chính sách.
Dù vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã có những phản ứng sát sườn hơn, khi bắt đầu thiết lập xu hướng đi lên trở lại từ đầu quí 2 năm nay. Tính đến giữa tháng 12, lãi suất tiền gửi bình quân của 35 NHTM nội địa ở kỳ hạn 1-11 tháng đã tăng 0,72 điểm phần trăm so với thời điểm cuối quí 1; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,6 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tăng 0,31 điểm phần trăm. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay chỉ ở mức tương đương, hoặc tăng nhẹ ở một vài kỳ hạn.
Có lẽ hầu hết chủ thể trong nền kinh tế kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ trong năm 2025 tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng như hai năm vừa qua. Tuy nhiên, có thể thấy chính sách tiền tệ trong năm 2025 sẽ đối mặt với không ít thách thức, với dư địa nới lỏng đang ngày càng trở nên hạn hẹp. |
Ngoài tác động từ diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đi lên hay các kênh tài sản khác tăng mạnh hơn làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi NHTM, buộc các NHTM phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng, một yếu tố khác ảnh hưởng đến chính sách lãi suất huy động của hệ thống NHTM chính là sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ngày càng mở rộng. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống NHTM đã tăng từ mức 101,45% vào cuối năm 2023 lên 103,44% vào cuối quí 1-2024, đến cuối quí 2-2024 là 104,89% và cuối quí 3-2024 là 105,5%.
Còn theo cập nhật mới nhất, tăng trưởng tín dụng đến ngày 13-12-2024 so với đầu năm đã đạt mức 12,5%, theo đó khoảng cách với tăng trưởng huy động vốn có lẽ đã tiếp tục được nới rộng hơn (số cập nhật gần nhất đến cuối tháng 9, tăng trưởng huy động vốn là 4,79%). Sau khi mạnh tay nới lỏng cung tiền vào những tháng cuối năm 2023, trong năm 2024 nhà điều hành đã kiểm soát cung tiền chặt chẽ hơn, nên làm hạn chế tăng trưởng tiền gửi của hệ thống NHTM. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ra ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá, đồng nghĩa với việc hút một lượng lớn tiền đồng vào, cũng góp phần thu hẹp thanh khoản hệ thống.
Ngoài việc giữ ổn định lãi suất điều hành, một điểm sáng khác của chính sách tiền tệ nới lỏng chính là thúc đẩy được tín dụng tăng trưởng tích cực. Sau khi giảm nhẹ trong hai tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ, cũng như do tín dụng đã tăng vọt trong tháng cuối năm 2023, xu hướng cho vay của hệ thống NHTM đã duy trì mạch đi lên ổn định từ tháng 3 cho đến hết năm nay, đặc biệt bắt đầu tăng mạnh từ tháng 6.
Trong bối cảnh nợ xấu các NHTM tiếp tục đi lên, nền kinh tế có những thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão lũ, các NHTM phải tăng cường tái cơ cấu nợ, việc duy trì xu hướng tăng trưởng tín dụng trong năm nay là một thành công của chính sách tiền tệ. Không như những năm trước, năm 2024 NHNN đã phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm, tiếp đó có hai lần chủ động nới room vào tháng 8 và tháng 11 cho các NHTM sớm sử dụng hết chỉ tiêu được giao.
Dư địa chính sách hẹp dần trong năm 2025?
Có lẽ hầu hết chủ thể trong nền kinh tế kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ năm 2025 tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng như hai năm vừa qua. Về yếu tố thuận lợi, đó là xu hướng nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục lộ trình giảm lãi suất. Cụ thể, ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, chưa kể các nước khác như Anh, Úc, Canada cũng đã liên tục giảm lãi suất trong thời gian qua.
Mới đây nhất, giới hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” lần đầu tiên trong 14 năm, kết hợp với chính sách tài khóa chủ động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Các chuyên gia phân tích cho rằng thông báo trên là dấu hiệu về một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua tài sản vào năm 2025. Trước khả năng Mỹ có thể áp đặt thêm hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, giảm lãi suất được xem là một trong những giải pháp ứng phó để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Định hướng của các cơ quan quản lý nước ta là vẫn muốn giữ ổn định lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt mục tiêu phấn đấu 8%. Tại Nghị quyết 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp đó, tại Công điện ngày 16-12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để có phản ứng kịp thời, đồng thời có giải pháp điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, đặc biệt phải kiểm soát chặt lãi suất huy động của các NHTM để có thể tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, trong bối cảnh càng về cuối năm xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có tín hiệu tăng nhanh hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy chính sách tiền tệ năm 2025 sẽ đối mặt với không ít thách thức, với dư địa nới lỏng đang ngày càng trở nên hạn hẹp.
Đầu tiên, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn chịu nhiều áp lực vì đô la Mỹ được dự báo vẫn sẽ mạnh trước tác động của các chính sách kích thích kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Với chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, bức tranh thương mại trong năm 2025 cũng sẽ trở nên khó lường hơn, từ đó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường ngoại hối trong nước.
Thứ hai, áp lực lạm phát có thể quay trở lại do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu lại đứt gãy nếu các nền kinh tế lớn áp thuế trả đũa lẫn nhau. Tình hình như vậy có thể đẩy giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng trở lại, trong khi chi phí vận tải và logistics cũng neo cao trước rủi ro xung đột quân sự lan rộng tại các tuyến thương mại chính của thế giới.
Một số tổ chức gần đây dự báo NHNN có thể phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2025. Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng đô la Mỹ sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 và NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quí 2-2025, khi lạm phát cũng có thể tăng trở lại. Trước đó, vào cuối tháng 11, Công ty Chứng khoán HSC cũng đưa ra dự báo lãi suất điều hành sẽ tăng nhẹ lên lần lượt 4,75% và 5% tại thời điểm cuối năm 2025 và 2026.
Về tăng trưởng tín dụng, NHNN có thể tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ở mức 15% như năm vừa qua. Dù vậy, điểm cần lưu ý là tỷ lệ tín dụng/GDP thời gian qua ngày càng gia tăng, có thể kéo theo rủi ro tiềm ẩn như một số cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các NHTM cũng cần phải dành nguồn lực để nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu đã tăng mạnh trong hai năm qua. Đây cũng sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý.
Thụy Lê