Vietstock - Chính phủ quyết định về xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.
Đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2024: Tối thiểu 35% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung
|
Quyết định phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3 (sau đây gọi chung là bão số 3) như sau:
Phân loại tài sản có
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc, lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD tại thời điểm gần nhất trước ngày 7/9/2024 trong thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, TCTD không phải điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD.
Khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc không còn số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 thì TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD.
Mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro
TCTD thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ như sau:
Căn cứ quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, TCTD thực hiện trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ đối với khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ và theo kết quả phân loại nợ đối với dư nợ còn lại của khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD.
Căn cứ quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, TCTD xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động TCTD mà không áp dụng giữ nguyên nhóm nợ.
TCTD xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung được tính bằng số tiền dự phòng cụ thể phải trích trừ đi số tiền dự phòng cụ thể đã trích.
Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung được xác định là dương, TCTD thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể như sau: Đến ngày 31/12/2024: Tối thiểu 35% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Đến thời điểm ngày 31/12/2025: Trích thêm để đạt tối thiểu 70% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Đối với các khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 trước ngày 1/1/2025, TCTD trích lập trong năm 2025 tối thiểu theo tỉ lệ tối thiểu 35%.
Đến thời điểm ngày 31/12/2026: Trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Đối với các khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 trước ngày 1/1/2026, TCTD trích lập trong năm 2026 tối thiểu theo tỉ lệ tối thiểu 70%.
Căn cứ quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, TCTD thực hiện trích lập dự phòng chung đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ được xác định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD mà không áp dụng giữ nguyên nhóm nợ.
Quyết định cũng nêu rõ: Về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và các nội dung về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 không được nêu tại Quyết định này, TCTD thực hiện theo quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD và quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD.
Nhật Quang