‘Chỉ bàn làm, không bàn lùi’, đại biểu Quốc hội hiến kế hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao

Ngày đăng 23:59 20/11/2024
‘Chỉ bàn làm, không bàn lùi’, đại biểu Quốc hội hiến kế hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao

Vietstock - ‘Chỉ bàn làm, không bàn lùi’, đại biểu Quốc hội hiến kế hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao

Nhất trí với chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, với tinh thần “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ đường sắt tốc độ cao, thu hút đầu tư trong nước, giảm áp lực ngân sách nhà nước...

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) bày tỏ: "Từng được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu với những lợi ích mang lại, tôi rất khao khát Việt Nam có được loại hình giao thông này".

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhắc lại 15 năm trước chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao đã được thảo luận nhưng điều kiện lúc đó chưa chín muồi. Hiện nay, đất nước đã phát triển hơn, kinh tế vĩ mô ổn định… Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động sẽ mang lại thuận lợi cho người dân, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt tốc độ cao đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền trung.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn.

Về nguồn vốn, theo đại biểu, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA.

"Cùng với đó là cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu đoàn TPHCM cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận, TOD.

Tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi", đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển. Đồng thời đề nghị khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.

Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận

Doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình thông qua dự án xây dựng Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, vì thảo mãn cả 2 điều kiện cần và đủ.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện nay, tỉ lệ nợ công khá thấp 37% là dự địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD trong vòng 10 năm thì nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45% GDP, thấp hơn trần nợ công là 60%.

Hơn nữa, việc phát triển tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ cao có thể kết nối liên vận với mạng lưới đường sắt các nước trong khu vực để giải quyết nút thắt về logistíc và liên thông quốc tế.

"Mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng để đầu tư, nhưng đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa (không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết), vì mức độ tập trung dân số dọc theo tuyến Bắc Nam chỉ bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải, bằng ½ tuyến Đài Bắc-Cao Hùng; nên nếu chỉ chở khách thì sẽ lãng phí khoảng 50% công suất, doanh thu chỉ chở khách sẽ không đủ bù đắp chi phí vận doanh, có nguy cơ phải bù lỗ rất lớn.

Theo đại biểu, nếu không vận tải hàng hóa thì dự án tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ không giải quyết được nút thắt về logistic, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc Nam và không liên vận với hệ thống đường sắt quốc tế.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa cần tính đến, đó là việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị Tại Hà Nội và 1 tuyến Tại (Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội (TP. Hà Nội), Bến Thành – Suối Tiên (TPHCM) cho thấy, nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế, sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.

Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.

"Bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc, là do chúng ta làm chủ về công nghệ, chúng ta là người trực tiếp thi công, nên có thể vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu dẫn chứng.

Nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TPHCM, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ USD, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, có chăng chỉ mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù, đơn chiếc như đầu máy, hệ thống điều khiển.

Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn. Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình. Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) nêu ý kiến thảo luận

Rà soát, đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt

Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) bày tỏ hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ

Để dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mang tính khả thi, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đại biểu đề nghị các quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics.

Về công nghệ, Chính phủ đã đề xuất công nghệ chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung, thông tin tín hiệu áp dụng như một số nước. Tuy nhiên, hiện chưa rõ công nghệ theo khung tiêu chuẩn nào? Tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu?

Đại biểu đề nghị Bộ GTVT có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình và nguồn lực cụ thể để đảm bảo việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án.

Để bảo đảm tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án. Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lương cao nhất. Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ khác khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.

Quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước

Góp ý vào dự án đường sắt tốc độ cao, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.

Theo đại biểu, dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan.

Ngoài ra nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy.

Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua.

"Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia", đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ.

Nhật Quang

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.