Vietstock - Chính sách có hiệu lực từ tháng 6 năm 2017
Đấu giá 89,500 tấn đường nhập khẩu năm 2017; Quy định mới về nhãn hàng hóa; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển... là những chính sách bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6 năm 2017.
Quy định về đấu giá 89,500 tấn đường nhập khẩu năm 2017
Từ ngày 05/06/2017, Thông tư 05/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, đối tượng áp dụng là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; Các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2017.
Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017.
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.
Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Chủ tịch Hội đồng đấu giá ban hành Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017.
Sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá.
Khi làm thủ tục nhập khẩu đường, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, thương nhân xuất trình văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương với Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Quy định mới về nhãn hàng hóa
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, nhãn hàng hóa phải được nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam
Từ 01/06/2017, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Quyết định này gồm các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Quy hoạch phát triển điện mặt trời.
Theo Quyết định, quy hoạch phát triển điện mặt trời bao gồm quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh. Quy hoạch phát triển điện mặt trời làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện mặt trời, được điều chỉnh phù hợp với các nghiên cứu, đánh giá tiềm năng mặt trời trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia và quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh được lập một lần cho giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và được điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết. Từ các giai đoạn quy hoạch sau, quy hoạch phát triển điện mặt trời được lồng ghép vào Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện mặt trời chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới, không áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đã được phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời tổ chức lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Việc công bố và điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.
Nội dung chính của Quy hoạch phát triển điện mặt trời gồm: 1- Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia có các nội dung chính như: Tiềm năng năng lượng mặt trời của các địa phương; Danh mục các dự án điện mặt trời; Định hướng đấu nối các dự án điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia; 2- Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh có các nội dung chính: Tiềm năng năng lượng mặt trời của tỉnh; Diện tích và ranh giới các khu vực phát triển các dự án điện mặt trời; Danh mục các dự án điện mặt trời; Quy mô công suất của từng dự án điện mặt trời và phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển
Từ 15/06/2017, Quyết định 13/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT); Công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality); công nghệ thực tại tăng cường (Augmented Reality); công nghệ vô tuyến thông minh; công nghệ in 3 chiều (3D).
Bên cạnh đó, bổ sung Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển gồm: Mô-đun, thiết bị, phần mềm, giải pháp tích hợp IoT; phần mềm, thiết bị, giải pháp, dịch vụ ảo hóa và điện toán đám mây; phần mềm, thiết bị, giải pháp, dịch vụ cho chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, đào tạo điện tử, quảng cáo điện tử; phần mềm, thiết bị, giải pháp, dịch vụ thực tại ảo, thực tại tăng cường; dịch vụ quản trị hệ thống công nghệ thông tin; dịch vụ xử lý, phân tích, khai thác cơ sở dữ liệu lớn (Big Data); dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử; dịch vụ đánh giá, kiểm định an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin;...
Rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Từ 02/06/2017, Thông tư 31/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 99/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng bắt đầu có hiệu lực thi hành
Theo đó, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho người nộp thuế trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu NSNN do cơ quan thuế chuyển đến. (Quy định hiện nay là trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc)
Ngoài ra, Thông tư còn quy định một số nội dung:
- Cục Thuế cập nhật, hạch toán đầy đủ các Quyết định hoàn thuế/hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế ngay trong ngày làm việc được ký ban hành quyết định hoàn thuế;
- Sau khi hạch toán Quyết định hoàn thuế và Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN, Cục Thuế luân chuyển sang KBNN ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo.
Nhiều ngành nghề được giảm mức đóng BHXH
Từ ngày 1/6, Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành. Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 (trừ đối tượng là người giúp việc).
Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên lương cơ sở đối với người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 gồm: Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Chế độ tiền công đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng
Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH quy định người lao động đăng ký tham gia dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công (làm việc theo hình thức cộng đồng) được thỏa thuận tiền công nhưng phải đảm bảo:
- Không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm đủ 8h/ngày và 26 ngày/tháng.
- Trường hợp người lao động làm không đủ 8h/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8h.
- Trường hợp người lao động làm thêm giờ thì được thanh toán tiền công theo giờ nhưng không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8h.
Ngoài ra, Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/6/2017) cũng quy định người lao động được thỏa thuận thời gian làm việc như sau:
- Không quá 8h/ngày.
- Trường hợp làm thêm thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12h/ngày.