Vietstock - Các kịch bản xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump
Đối với kịch bản Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị áp thuế và tạo sức ép với Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
|
Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/1, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Về xuất siêu, Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico tại thị trường này.
Theo ông Trần Thanh Hải, mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, ông Donald Trump lại sử dụng một công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, ông Donald Trump đã áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…
Cho rằng trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn, song theo ông Hải, bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản.
Theo đó, kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu. Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều.
"Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Hoa Kỳ và tạo sức ép với Việt Nam. Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới,” ông Trần Thanh Hải nói.
Đối với vấn đề xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải thông tin, năm 2024, Việt Nam đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt khoảng 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá.
Nổi bật là năm 2024, đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm.
"Tuy nhiên thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines…," ông Trần Thanh Hải thông tin.
Ông Trần Thanh Hải thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Ở giai đoạn này, ông Trần Thanh Hải cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Với vai trò quản lý Nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/CP, sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới./.
Đức Duy