Vietstock - BOT An Sương - An Lạc: "Uẩn khúc" 4 cây cầu vượt đầu tư giai đoạn 2
Việc đầu tư xây dựng thêm 4 cây cầu vượt đã giúp dự án BOT An Sương - An Lạc (TPHCM) kéo dài thời gian thu phí đến năm 2033, tăng thêm 16 năm so với dự án ban đầu.
Một trong 4 cây cầu vượt giúp BOT An Sương - An Lạc thu phí đến 2033 thay vì năm 2017.
|
Cơ sở nào hình thành 4 cây cầu?
Báo Lao Động đã có loạt bài nói về BOT An Sương – An Lạc, trong đó có đề cập đến việc kết thúc thu phí vào tháng 1.2017 theo hợp đồng ký với Bộ Giao thông Vận tải.
Tuy nhiên, sau đó dư luận bất ngờ khi biết được thông tin BOT này được phép thu phí đến năm 2033 theo hợp đồng mới ký với UBND TPHCM.
Lý do BOT An Sương – An Lạc được kéo dài thêm 16 năm so với thời hạn ban đầu là chủ đầu tư đã đầu tư thêm hạng mục giao thông là 4 cây cầu vượt tại 4 nút giao trên tuyến quốc lộ.
Ông Nguyễn Hồng Ninh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) - nhà đầu tư dự án cho biết, các nút giao được Bộ GTVT xác định giai đoạn đầu là nút giao đồng mức, giai đoạn sau là nút giao khác mức.
Việc không xây các cây cầu trong thời gian đầu là lưu lượng xe ít, tuy nhiên sau đó lưu lượng giao thông liên tục gia tăng nên IDICO thực hiện giai đoạn 2 là xây cầu.
Tại các hạng mục cầu vượt có trạm thu phí mini, nhưng nhiều tài xế cho rằng việc thu phí là bất hợp lý và không chấp hành.
|
Cần minh bạch rõ 4 cây cầu đầu tư
Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng dự án BOT An Sương – An Lạc cần phải công khai và minh bạch. Theo đó, cần công khai việc 4 cây cầu vượt được đầu tư giai đoạn 2 này có được đưa vào dự án ban đầu với hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải không?
“Chủ đầu tư cần công khai, minh bạch các dự án đầu tư là thành phần của dự án ban đầu, hay những dự án bổ sung thêm. Chủ đầu tư cũng cần thông tin rõ tại sao không đưa những dự án này vào ngay từ đầu khi ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải, mà lại để sau này ký với UBND TPHCM?”- GS Nguyễn Trọng Hòa đặt vấn đề.
Sáng 19.12, PV Báo Lao Động đã đem những vấn đề “uẩn khúc” về 4 cây cầu vượt xây giai đoạn 2 mà chuyên gia giao thông đề nghị cần minh bạch để trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO.
Phía lãnh đạo IDICO không trực tiếp trả lời thẳng những vấn đề mà PV đặt ra, chỉ khẳng định các thông tin về dự án đã cung cấp cho khách hàng và cơ quan truyền thông.
"Cơ quan có thẩm quyền và Nhà đầu tư BOT An Sương – An Lạc đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật trong quá trình lập dự án, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng và xác định thời gian thu phí” – lãnh đạo IDICO cho biết.
Chuyên gia đề nghị cần công khai, minh bạch tất cả việc đầu tư 4 cây cầu trong giai đoạn sau này.
|
Vốn đầu tư 4 cầu vượt 2.500 tỉ, thu về 5.000 tỉ?
Theo tính toán với thời hạn thu phí 16 năm, doanh thu của BOT An Sương – An Lạc khoảng 5.000 tỉ đồng, trong khi chi phí đầu tư 4 cây cầu vượt là 2.500 tỉ đồng. Nhiều người thắc mắc tại sao BOT An Sương – An Lạc không rút ngắn thời gian thu phí?
Về vấn đề này, lãnh đạo IDICO cho rằng, mỗi ngày trạm BOT An Sương - An Lạc thu trung bình khoảng 900 triệu đồng/ngày, thấp hơn dự tính ban đầu trong hợp đồng là 970 triệu đồng. Nếu chỉ tính toán đơn thuần với 16 năm thu phí thì doanh thu dự án này sẽ hơn 5.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo IDICO phân tích, trong mức thu đó còn bao gồm khoảng 3.800 tỉ đồng trả tiền vay ngân hàng. Mặt khác, nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền đã tính toán tất cả yếu tố về nguồn vốn và chi phí liên quan đến sửa chữa, duy tu, vận hành,... trên cơ sở này sẽ điều chỉnh phương án tài chính phù hợp.
HUÂN CAO