Vietstock - Bộ GTVT báo cáo 3 phương án đường sắt cao tốc bắc - nam
Bộ GTVT vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc bắc - nam.
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất 3 kịch bản: kịch bản 1, nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại (50 tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác 70 km/giờ); kịch bản 2, nâng cấp đường đơn hiện tại (khổ 1 m) lên đường đôi 1,435 m, khai thác chung tàu khách và tàu hàng (năng lực 17 tàu/ngày đêm, tốc độ 200 km/giờ); kịch bản 3, nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại và kết hợp xây dựng tuyến mới để khai thác riêng tàu khách và định hướng tốc độ thiết kế 350 km/giờ (tốc độ khai thác 320 km/giờ). Qua nghiên cứu, đánh giá và tham khảo kinh nghiệm các nước, Bộ GTVT nghiêng về kịch bản 3.
Về tốc độ chạy tàu, toàn tuyến Ngọc Hồi (Hà Nội) - TP.HCM sẽ hết 5 giờ 20 phút (chỉ dừng một số ga) và 6 giờ 55 phút (dừng tất cả các ga). Dự kiến đến năm 2032 khai thác đoạn Hà Nội - Vinh (Nghệ An) và TP.HCM - Nha Trang (Khánh Hòa) với 36 đôi tàu/ngày đêm. Đến năm 2050 khai thác toàn tuyến với 91 đôi tàu/ngày đêm.
Về phân kỳ đầu tư, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phân kỳ theo chiều ngang (đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn).
Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032) chuẩn bị đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, giai đoạn 2 (2032 - 2050) tiếp tục đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó ưu tiên Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040.
Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất sử dụng 80% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, số còn lại kêu gọi tư nhân đầu tư vào một số nhà ga và đầu máy toa xe. Với trường hợp sử dụng toàn bộ vốn đầu tư (hơn 58,71 tỉ USD) bằng nguồn đi vay, Bộ GTVT đánh giá vẫn không làm nợ công vượt trần (nợ công không vượt 65% GDP).
Dự kiến, dự án đường sắt cao tốc bắc - nam sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội cuối năm nay.
Mai Hà