Vietstock - Bộ Công Thương: Không thiếu điện phục vụ sản xuất, tiêu dùng
Theo đại diện Bộ Công Thương, đến hết ngày 18/6, tiêu thụ điện khoảng 141,8 tỷ kWh điện tương đương 45,65% so với kế hoạch cả năm. Dù đạt kỷ lục song việc cung cấp điện vẫn được đảm bảo.
Nhân viên EVN kiểm tra các thiết bị điện. (Ảnh: EVN)
|
Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/6, tại Hà Nội, đại diện các đơn vị chức năng của bộ đã nêu nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong năm 2024.
Theo ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), việc đảm bảo cung cấp điện được Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo sát sao. Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện.
Dẫn số liệu đến hết ngày 18/6, ông Hữu cho biết tiêu thụ điện khoảng 141,8 tỷ kWh điện tương đương 45,65% so với kế hoạch cả năm. Dù đạt kỷ lục song việc cung cấp điện vẫn được đảm bảo.
“Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, năm nay chắc chắn không để xảy ra việc thiếu điện như năm 2023,” ông Nguyễn Thế Hữu nhấn mạnh.
Tuy vậy, hiện đang là giai đoạn cao điểm mùa khô (tháng 6-7), nắng nóng kéo dài khiến phụ tải cao nhất trong ngày rơi vào thời điểm từ 22 giờ (khi tất cả các gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ, do vậy việc đáp ứng điện hết sức căng thẳng. Chính vì thế, ông Hữu mong muốn ngoài các giải pháp chủ động từ phía ngành điện, rất cần sự chia sẻ của tất cả các khách hàng dùng điện nhằm tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết thêm, từ năm 2023 đến nay tăng trưởng điện ở mức cao. Theo dự báo trong tổng sơ đồ cung cấp điện, năm nay tăng từ 8-9%, tuy vậy hiện nay đã tăng tới 12%, vì vậy tới đây phụ tải điện tăng rất nhanh.
Để đáp ứng nhu cầu này, ông Hùng thông tin, sau khi Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch và Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch này tại Quyết định 262 (ngày 1/4/2024).
Tiếp đến, ngày 3/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp triển khai việc thực hiện Kế hoạch với các ngành, địa phương để tìm các giải pháp thực hiện quy hoạch… Với các danh mục các dự án còn thiếu, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành các Kế hoạch tiếp theo và chờ Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở cho các dự án…
Song song đó, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ các giải pháp và cơ chế để triển khai thực hiện các dự án đã được đưa vào triển khai thực hiện Tổng sơ đồ điện 8 (ví dụ các cơ chế cho nhà máy điện khí LNG; đôn đốc triển khai đường dây 500kV mạch 3 đóng điện theo đúng tiến độ Thủ tướng yêu cầu; phương án nhập khẩu điện để cung cấp cho quốc gia, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả…) nhằm đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, việc các lĩnh vực sản xuất tăng tốc cũng là sức ép lớn tới ngành điện, vì vậy Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Công Thương cũng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Cụ thể, sau quý 1 và quý 2 các cơ quan chức năng đã lên các kịch bản cung ứng điện, đến thời điểm hiện tại việc cung ứng điện cơ bản tốt. Về phía Bộ Công Thương đã tính toán, rà soát khẳng định năm nay việc cung ứng điện có thể đảm bảo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức các Đoàn đi kiểm tra, giám sát từ các nguồn nhiên liệu (nước, khí) và quá trình vận hành, chuẩn bị của các nhà máy… cùng đó lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề nghị ngay trong Cục Điều tiết Điện lực lập Tổ phản ứng nhanh, khi có vấn đề thì phải lập tức giải quyết ngay việc cung ứng điện.
Đức Duy