Vietstock - Bộ Công Thương báo cáo về điện hạt nhân: Trình Quốc hội từng dự án cụ thể
Tài khởi động nghiên cứu lại điện hạt nhân, Bộ Công Thương cho rằng, đây là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định, là nguồn điện xanh và bền vững, tương lai đảm bảo an ninh năng lượng.
Thời gian gần đây, dựa trên Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo với Chính phủ về phát triển điện hạt nhân. Tại Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi trình bày trước Quốc hội mới đây, việc phát triển điện hạt nhân cũng được đề cập.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương đã đề cập đến lý do tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam.
Bộ Công Thương cho rằng, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định. Đồng thời, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững.
Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.
Sau khi liệt kê những nguồn cung điện lớn ở nước ta trong quy hoạch, Bộ Công Thương chỉ rõ, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn ở giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện.
Liên quan đến ý tưởng phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, Bộ Công Thương cho rằng: Việc phát triển điện hạt nhân ở bất kỳ cấp độ nào, bao gồm việc phát triển điện hạt nhân loại nhỏ, cần có định hướng của Đảng, Nhà nước và việc đầu tư phải tuân thủ Luật Năng lượng nguyên tử.
Địa điểm ở Ninh Thuận từng được xác định là vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân, sau đó quy hoạch đã tạm dừng. Ảnh: Xuân Ngọc |
Theo Bộ Công Thương, các vấn đề như công suất điện, vị trí bố trí và cách thức đảm bảo cung cấp điện, sẽ được bộ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch điện và triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân.
“Các dự án điện hạt nhân sẽ phải trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện theo quy định Luật Năng lượng nguyên tử”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Theo đó, cơ chế đặc thù điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu cho từng dự án cụ thể và đề xuất trong chủ trương đầu tư dự án để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Cũng theo bộ này, để có cơ sở thực hiện xây dựng và phát triển điện hạt nhân sau khi có chủ trương của cấp thẩm quyền, cần bổ sung chính sách về phát triển điện hạt nhân trong Luật Điện lực sửa đổi. Cụ thể, tại khoản 15 Điều 5 của bản hiệu chỉnh dự thảo Luật điện lực (sửa đổi).
"Hiện Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam", Bộ Công Thương thông tin.
Trước những lo ngại về một số vấn đề liên quan đến thời gian tháo dỡ, rủi ro an ninh (có khả năng bị tấn công), vấn đề bảo đảm an toàn cho người dân và việc xử lý chất thải hạt nhân... Bộ Công Thương khẳng định, việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân đã được quy định cụ thể tại Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan (bao gồm cả tháo dỡ và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng)...
Liên quan đến việc đề nghị Chính phủ báo cáo rõ ràng về kế hoạch và tiến độ thực hiện chính sách phát triển điện hạt nhân nhằm thực hiện Quy hoạch điện VIII, đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn điện nền trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang phát triển, theo Bộ Công Thương, tiến độ phát triển điện hạt nhân để đảm bảo cung cấp điện sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình rà soát sửa đổi quy hoạch điện sau khi được cấp thẩm quyền cho phép về chủ trương.
Riêng nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016-2021) ngày 2/3/2022, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 323 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với phía Nhật Bản về đào tạo nhân lực từ trình độ đại học trở lên cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, trong đó có đào tạo 100 sinh viên tại các trường đại học của Nhật Bản từ năm 2016.
Từ năm 2006-2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân. Năm 2013-2014, 14 sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo và về nước.
Theo báo cáo số 777 ngày 21/02/2022 của EVN, có 27/31 kỹ sư tài năng chuyên ngành điện hạt nhân làm việc cho tập đoàn này sau khi tốt nghiệp. Trong nhóm du học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo tại Liên bang Nga có cam kết làm việc cho tập đoàn, đã có 177/248 người đã được phân công công tác, 5 người đang chờ phân công, số còn lại đã hủy cam kết hoặc làm việc ở cơ quan khác.
Đối với nhóm cán bộ được đào tạo tại Nhật Bản làm nòng cốt cho Nhà máy điện hạt Ninh Thuận 2, số học viên đã tốt nghiệp là 32 người, trong đó 31 người công tác tại tập đoàn, 1 người làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khi tái khởi động điện hạt nhân, đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng có thể huy động trực tiếp tham gia cố vấn, phát triển và vận hành các dự án điện hạt nhân ở nước ta.
Tâm An