Vietstock - Bị lộ thông tin tài khoản thanh toán, vẫn không sợ mất tiền?
Kể từ ngày 1-7 tới đây, những giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt.
"Với việc áp dụng Quyết định 2345, khi kẻ gian chiếm quyền kiểm soát thông tin tài khoản thanh toán và thực hiện chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần nhưng nếu khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền không trùng khớp với khuôn mặt trên hồ sơ gốc, thì tội phạm không thể lấy được tiền".
Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đưa ra tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước và Báo Tuổi Trẻ vừa phối hợp tổ chức.
Kể từ ngày 1-7 tới đây, những giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt.
Đây là một trong những quy định trong Quyết định 2345 do Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất là đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng.
Để làm rõ hơn nữa tầm quan trọng của việc xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền có giá trị trên 10 triệu đồng/lần, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: Nếu không may chúng ta bị lấy mất thông tin của khách hàng, bọn tội phạm có thể chiếm máy đó. Nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch thì phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền.
"Điều khá là quan trọng khi chiếm đoạt thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền", ông nói.
Ông Dũng chia sẻ, giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% giao dịch. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chưa đến 1%. Ông nhấn mạnh, không phải khi thực hiện 20 triệu đồng mà đến giao dịch 100.000 đồng sau giao dịch 20 triệu đồng phải làm sinh trắc học mà ở mức 20 triệu đồng chúng ta xác thực xong sau đó chúng ta không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Nguyên tắc không làm gián đoạn việc trải nghiệm của khách hàng.
Với trường hợp như người không cư trú mở tài khoản mà không có cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì NHNN đang sửa quyết định cho phép mở tài khoản e-KYC tại ngân hàng.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, mới đây nhất là Thủ tướng đã ký Nghị định 52 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Phó Thống đốc cho biết thêm: Thời gian tới, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, NHNN đang rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó có các thông tư liên quan đến hoạt động thanh toán gồm mở và sử dụng tài khoản; mở và sử dụng thẻ; và thông tư quan trọng liên quan đến đại lý.
"Lần đầu tiên Việt Nam cho phép làm đại lý ở mức độ giới hạn, các ngân hàng có thể chọn các đơn vị có đủ chức năng làm đại lý. Đây là những định hướng lớn về thanh toán không dùng tiền mặt ở thế giới thì đang làm ở Việt Nam. Hy vọng, thời gian tới, những thông tư này sẽ đi vào cuộc sống và thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt", ông Dũng nói.
THÙY LINH