Vietstock - Bất chấp bất lợi bên ngoài, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt
Chiều nay (9/11), giá USD trên biểu niêm yết ngân hàng thương mại đồng loạt giảm khá mạnh, bước giảm hiếm thấy kể từ kỳ căng thẳng từ cuối tháng 6/2018 đến nay.
Tín dụng ngoại tệ đã và đang thể hiện xu hướng giảm mạnh. Điều này có nghĩa, các khoản vay ngoại tệ trước đây đã đáo hạn, một bộ phận cầu ngoại tệ để trả nợ đã thực hiện xong mà không còn dồn cầu lại lúc này - Ảnh: Quang Phúc.
|
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - thành viên có thị phần hàng đầu trong thanh toán xuất nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam, giá USD bán ra chốt hôm nay chỉ còn 23.335 VND, giảm 30 VND so với đầu giờ sáng và giảm 45 VND so với giữa tuần.
Kể từ đợt tăng lên và có biểu hiện căng thẳng của tỷ giá USD/VND từ cuối tháng 6/2018 đến nay, bước giảm trên là mạnh và đáng chú ý.
Trước đó, như VnEconomy từng đề cập, cuối tháng 10 vừa qua, cũng chính Vietcombank là trường hợp có điều chỉnh, nới rộng chênh lệch giữa giá bán ra với mua vào USD. Mức nới không lớn, nhưng thông thường nó "báo hiệu" có rủi ro giá xuống hoặc ngân hàng không có nhu cầu quyết đẩy giá để mua USD như trước.
Trên thị trường liên ngân hàng, trong khoảng chục phiên trở lại đây, tín hiệu hạ nhiệt cũng thể hiện, khi giá USD giao dịch giữa các thành viên đã lùi sâu dưới mốc giá bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Và đến cuối tuần này, giá USD trên thị trường liên ngân hàng cũng đã lùi sâu xuống dưới mốc 23.330 VND.
Về yếu tố tác động, thứ nhất, nổi bật nhất thời điểm này là nhu cầu VND tăng lên trong hệ thống ngân hàng. Yếu tố này được hỗ trợ mạnh ở cân đối lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng; lãi suất VND trên thị trường này liên tiếp tăng mạnh từ trung tuần tháng 10 đến nay và qua đêm hiện đã lên gần mốc 5%/năm, tạo chênh lệch lớn so với lãi suất USD trên cùng thị trường.
Thứ hai, về cung - cầu, như VnEconomy đề cập ở diễn biến gần đây, tín dụng ngoại tệ đang thể hiện xu hướng giảm mạnh. Điều này có nghĩa, các khoản vay ngoại tệ trước đây đã đáo hạn, một bộ phận cầu ngoại tệ để trả nợ đã thực hiện xong mà không còn dồn cầu lại lúc này; cùng đó, nhu cầu vay ngoại tệ giảm đi, một phần do quan ngại có rủi ro tỷ giá trong tương lai…
Thứ ba, ở cân đối vĩ mô, dữ liệu cập nhật gần nhất cho thấy 10 tháng đầu năm Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục; Ngân hàng Nhà nước dự tính năm nay cán cân tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư lớn.
Thứ tư, dù đã trong dự đoán chung, tối qua (giời Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất thay vì đẩy nhanh tần suất theo lộ trình định hướng trước đó.
Như trên, tỷ giá USD/VND đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh, nhưng còn sớm để nói về xu hướng. Còn trong điều kiện bình thường và thông thường nhiều năm trở lại đây, giai đoạn cuối năm cầu VND tăng lên mạnh (cùng với lãi suất như yếu tố mùa vụ) và tỷ giá USD/VND thường hạ nhiệt rõ rệt.
Năm nay, bối cảnh bên ngoài đang khác biệt, nhưng tỷ giá USD/VND vừa qua và hiện nay giảm khá nhanh bất chấp những bất lợi đã và đang thể hiện.
Cụ thể, trong tuần trước và đến tuần này, chủ đạo vẫn là xu hướng mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ so với USD, có thời điểm cần tới gần 7 Nhân dân tệ để đổi 1 USD, thay vì mức 6.82 - 6,85 cao điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ tháng 5/2018.
Cùng đó, chỉ số USD-Index cũng có xu hướng tăng mạnh cận mốc 97 vừa qua; lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thường xuyên vượt trên mốc 3,2%...
Còn ở hoạt động điều tiết, tuần này thị trường tiếp tục ghi nhận Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ngừng hẳn hoạt động phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, trong khi vẫn bơm ròng khá mạnh qua nghiệp vụ cầm cố trên thị trường mở. Cân đối này tạo chênh lệch lãi suất USD - VND có lợi cho bình ổn tỷ giá, nhưng vẫn điều hòa thanh khoản hệ thống hợp lý.
Và với định hướng siết lại tăng trưởng tín dụng vẫn nhất quán đến nay, dự báo lãi suất VND trên thị trường 1 (giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế) sẽ khó có biến động mạnh khi đầu ra không còn được "bung" như trước.
Minh Đức