Vietstock - Đa dạng nguồn kiều hối về Việt Nam
Kiều hối chuyển về Việt Nam bắt đầu tăng mạnh. Kiều hối nay không chỉ từ Việt kiều, xuất khẩu lao động mà theo một số ngân hàng, còn từ đầu tư sản xuất kinh doanh ở nước ngoài.
Lượng kiều hối trong những ngày giáp tết tăng cao. Trong ảnh: người dân nhận tiền kiều hối bằng bảng Anh tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
|
Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng rút khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tăng gấp 2-3 lần
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Khoa - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBR) - cho biết doanh số thời điểm này tại SBR đã tăng mạnh từ 200-300% so với ngày thường.
Theo ông Khoa, nếu trước kia thị trường kiều hối thường thông qua trợ cấp người thân là chính thì hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên thị trường kiều hối không chỉ đơn thuần là trợ cấp thân nhân mà còn đến từ nguồn xuất khẩu lao động và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Kiều hối hỗ trợ người thân đang giảm dần do thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng lên, nhu cầu hỗ trợ không nhiều như trước. Bên cạnh đó, thế hệ những người Việt Nam tại các thị trường này đã lớn tuổi, không còn nhiều người thân tại Việt Nam.
Còn kiều hối từ xuất khẩu lao động, theo ông Khoa, đang tăng trưởng mạnh do số lượng xuất khẩu lao động tăng bình quân hằng năm 10-15%. Kiều hối dạng này tập trung ở Đài Loan, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc, UAE... Cũng theo ông Khoa, riêng năm nay không chỉ dịp tết mà trong cả năm, kiều hối đều tăng.
Ông Vũ Thành Trung - phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty kiều hối Đông Á - cho biết do tết năm nay sớm hơn so với 2018 nên lượng tiền chuyển qua Công ty kiều hối Đông Á có xu hướng tăng từ những ngày đầu tháng 1.
Lượng giao dịch trong 15 ngày đầu tháng đã gần 140.000 giao dịch và tăng 17% so với tổng doanh số cùng kỳ 2018. Trong đó dòng kiều hối từ các thị trường châu Á, nơi có nhiều lao động xuất khẩu, chiếm đa số.
Tuy nhiên theo ông Trung, do chính sách chuyển tiền tại từng quốc gia nên số tiền trên một món chuyển có xu hướng giới hạn hơn. Như thị trường châu Á mức gửi bình quân 1.000-2.000 USD/giao dịch, thị trường Mỹ dao động 500-800 USD/giao dịch.
Ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất 0%
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đến cuối năm 2018 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 5 tỉ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam.
Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng rút khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái liên tục tăng lãi suất USD của FED. Lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam đã giảm về 0% trong 2 năm nay nhưng kiều hối chảy về vẫn tích cực.
Theo các công ty kiều hối, lượng kiều hối không bị ảnh hưởng nhiều với việc FED thay đổi lãi suất và lãi suất USD tại Việt Nam ở mức 0%, do có những chính sách hỗ trợ thu hút kiều hối kết hợp với sức hút từ việc sử dụng nguồn kiều hối vào đầu tư sản xuất, bất động sản...
Hiện các đơn vị chi trả kiều hối cũng đang tung nhiều chương trình ưu đãi, như tặng tiền trực tiếp kèm quà tặng... nhằm thu hút người nhận kiều hối.
Doanh thu kiều hối tăng mạnh Nhiều công ty kiều hối, ngân hàng năm nay cũng đạt doanh số kiều hối tỉ USD. Ông Vũ Thành Trung cho biết năm 2018 tổng doanh số chuyển về thông qua Kiều hối Đông Á đạt hơn 1,7 tỉ USD, tăng 10% so với 2017. Tại Ngân hàng Vietcombank (HM:CTG) doanh số kiều hối năm 2018 đạt 2,2 tỉ USD, tăng 18,4% so với mức 1,9 tỉ của năm 2017. Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố, năm 2018, cả nước có 142.860 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm. Đây đang là nguồn cung kiều hối quan trọng. |
A.HỒNG