Vietstock - Nếu như phá sản ngân hàng 0 đồng ngay từ đầu…
Hiện phương án xử lý cuối cùng đối với các ngân hàng 0 đồng vẫn còn lúng túng vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ. Đâu sẽ là lối thoát hữu hiệu nhất cho các nhà băng ngoại lệ này?
Hơn 5 năm trôi qua, tái cơ cấu ngân hàng đã trải qua giai đoạn 1 (2011-2015) với các thương vụ sáp nhập, tên tuổi vài ngân hàng đã biến mất và danh sách những ngân hàng yếu kém dần được xử lý… Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp 3 ngân hàng Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã bị NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào năm 2015 (tại thời điểm cuối tháng 7/2015, tỷ lệ nợ xấu của VNCB là 99.6%, OceanBank là 59.7% và GPBank là 48.3%, tổng cộng đạt 45,600 tỷ đồng).
Những bất ổn tại VNCB (nay là CBBank) và GPBank bắt đầu từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, được công khai liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát. Còn trường hợp của Oceanbank không thuộc trong danh sách, các sai phạm về sau mới dần được công khai.
Quyết định mua lại 0 đồng với 3 ngân hàng nói trên cuối cùng cũng đã được NHNN đưa ra như là giải pháp nhằm ngăn chặn khả năng rủi ro lan ra hệ thống. VNCB được giao cho Vietcombank, hai ngân hàng còn lại (GPBank và Oceanbank) do VietinBank tiếp quản. NHNN cho biết đã cho các ngân hàng thời gian để tái cơ cấu và khắc phục tình hình. Tuy nhiên các ngân hàng này vẫn không tìm được phương án xử lý và buộc phải chuyển giao toàn bộ cho NHNN.
Có thể thấy, khi nhìn lại những thiệt hại cả về “chất” và “lượng” đằng sau các sai phạm nói trên, nỗi đau vẫn còn đọng lại cho cả cổ đông ngân hàng, đội ngũ cán bộ nhân viên và cả các “ông chủ” nắm chốt chỉ đạo.
Còn nhớ trong phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank chiều ngày 20/09/2017, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang - nguyên Giám đốc khối Khách hàng cá nhân OceanBank đã nhắn gửi tới “sếp” cũ của mình - ông Hà Văn Thắm “giá như năm 2011 khi mà chi vượt trần, Ngân hàng khó khăn như thế anh cứ để cho phá sản, có khi bây giờ kể cả anh và tất cả bị cáo ở đây không ai phải đứng trước vành móng ngựa". Một điều giá như không thể thực hiện!
Trong Bản thảo “Ngân hàng thương mại Việt Nam: Từ những thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010 đến các sự kiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015” công bố ngày 12/02/2016, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam khi đề cập đến những ngân hàng 0 đồng cho rằng, nhìn lại thời điểm cuối 2011 thì nếu Nhà nước mạnh tay tiếp quản ngay các ngân hàng đã âm vốn chủ sở hữu rồi thanh lý dần hay thậm chí cho phá sản thì giá trị nợ phải trả lúc đó thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ nợ tiềm ẩn vào năm 2015.
Ông cho biết, về thực chất các ngân hàng yếu kém vẫn còn yếu kém. Trước hết, “tự tái cấu trúc”, “hợp nhất” hay “sáp nhập”, “tự nguyện” hay “bắt buộc” tái cơ cấu, nhưng tiền thực mới hoàn toàn không có để tăng lại vốn cho các ngân hàng này. Vì vậy, có phù phép như thế nào trên giấy thì cũng không thể lành mạnh hóa được các tổ chức tài chính yếu kém.
Ngoài ra, việc để cho các ngân hàng âm vốn tiếp tục hoạt động, đặc biệt là gia tăng huy động tiền gửi từ người dân, cho dù đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là cho các ngân hàng này tham gia một canh bạc mới theo kiểu nếu thắng cho dù với xác suất nhỏ thì có cơ thoát nợ còn nếu thua thì đằng nào cũng đã mất khả năng chi trả.
Theo thông lệ quốc tế, có một số giải pháp để xử lý ngân hàng yếu kém như NHNN bơm tiền để các ngân hàng này duy trì hoạt động, M&A giữa các ngân hàng thương mại, quốc hữu hóa và giải pháp cuối cùng là chấp nhận để ngân hàng phá sản. Buộc phải phá sản những ngân hàng yếu kém được đánh giá là một hình thức trừng phạt có ý nghĩa và đỡ tốn kém hơn nhiều so với bất kỳ sự cam kết nào khác của Chính phủ. Việc phá sản của ngân hàng cũng là chuyện bình thường ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngân hàng nào kinh doanh tốt thì phát triển, nếu không hiệu quả, không sáp nhập, thì mạnh dạn cho phá sản. Người dân cũng phải lựa chọn ngân hàng tốt, tạo được lòng tin, để gửi tài sản của mình vào đó.
Nhìn lại hành trình đi từ “yếu” tới “kém”
VNCB là ngân hàng đầu tiên bị mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Tháng 7/2012, theo kết luận thanh tra của NHNN, VNCB (khi đó là TrustBank) lỗ lũy kế 6,062 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2,855 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2012, NHNN chấp thuận cho Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện nhóm cổ đông Thiên Thanh - thực hiện tái cơ cấu TrustBank thông qua việc mua lại toàn bộ 84.92% cổ phần từ nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện.
Tuy nhiên, tiếp quản một ngân hàng yếu kém, Phạm Công Danh không những không vực dậy được sau tái cơ cấu mà còn “giúp” ngân hàng lỗ nặng hơn. Cáo trạng của Viện KSND Tối cao chỉ rõ, kể từ khi nhóm Thiên Thanh nắm quyền kiểm soát TrustBank (lúc này đã đổi tên thành VNCB), hoạt động kinh doanh của Ngân hàng này không hiệu quả. Tính đến thời điểm cuối năm 2012, VNCB lỗ lũy kế 8,671 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,616 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11,348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8,296 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/07/2014), vốn chủ sở hữu của Ngân hàng âm 18,469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38,255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16,745 tỷ đồng.
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ tháng 12/2012 đến 3/2014, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện 10 phi vụ rút tiền khỏi VNCB, tổng cộng 18,687 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân hàng 15,260 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hành vi và khoản tiền liên quan đến 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank được tách ra vụ án khác, nên trong đại án lần này chỉ xét xử liên quan đến 7 phi vụ rút tiền tổng cộng hơn 12,000 tỷ đồng và gây thiệt hại cho VNCB hơn 9,000 tỷ đồng.
Tháng 3/2015, trong một lần trả lời báo chí, Nguyên Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết sẽ đưa ra tới 40,000 tỷ đồng (từ tái cấp vốn và bán nợ cho VAMC…) để hỗ trợ VNCB trở lại hoạt động bình thường.
Nhìn lại câu chuyện của VNCB, cũng trong Bản thảo “Ngân hàng thương mại Việt Nam: Từ những thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010 đến các sự kiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu VNCB được tái cơ cấu theo hướng cho phá sản ngay trong năm 2012 hay để Nhà nước tiếp quản lúc đó rồi tập trung thu hồi nợ, thanh lý tài sản và không cho Ngân hàng huy động thêm tiền gửi của người dân, thì thiệt hại cũng chỉ là khoản âm vốn chủ sở hữu 5,600 tỷ đồng. Trách nhiệm bảo lãnh tiền gửi lúc đó cũng chỉ là 11,100 tỷ đồng. Con số giờ đây lên tới 40,000 tỷ đồng. Bài học rút ra là một ngân hàng yếu kém đã trên bờ vực phá sản luôn có động cơ hoặc đầu tư rủi ro theo kiểu đánh bạc để nếu thắng sẽ mong thoát chết hoặc là lừa đảo hoàn toàn theo kiểu rút ruột ngân hàng. Xử lý dứt điểm hiệu quả hơn là nuôi một khối ung thư theo kiểu bề ngoài thì nói là không phải tốn tiền Nhà nước nhưng thực ra là đã phải bơm tiền để giữ cho khỏi đổ vỡ mà không thấy đường ra.
Với trường hợp của GPBank, NHNN đã phát hiện nhiều yếu kém, rủi ro trong hoạt động từ cuối năm 2011. GPBank bắt đầu báo lỗ vào thời gian này và đến quý 3/2013 thì lỗ lũy kế đã lên tới 4,288 tỷ đồng. GPBank từng được kỳ vọng bán toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB) của Singapore hay Hongleong của Malaysia, nếu thành công sẽ là ngoại lệ về room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng (100%). Tuy nhiên, các thương vụ này đều không thành công.
Suốt ba năm sau đó, GPBank được tự tái cơ cấu, song theo NHNN đơn vị đã không trình được phương án khả thi và tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém. Do vậy, NHNN đã đưa GPBank vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời yêu cầu thuê tổ chức độc lập kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ, từ đó tăng vốn đảm bảo an toàn hệ thống đúng quy định. Đến trước lúc quyết định mua bắt buộc, NHNN mới công bố cho báo chí rằng, tính đến tháng 4/2015, GPBank lỗ lũy kế 12,280 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bằng âm 9,195 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao kỷ lục là 45.37%.
Từ giữa tháng 6 cho đến đầu tháng 7/2015, GPBank tổ chức ba lần ĐHĐCĐ bất thường để tìm cách tăng vốn điều lệ nhưng không thành công. Ngày 07/07/2015, NHNN quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại GPBank với giá 0 đồng.
Khác với VNCB và GPBank, báo cáo tài chính các năm 2010-2014 của OceanBank không thể hiện bất cứ một dấu hiệu xấu nào về tình hình tài chính. Oceanbank vẫn có lợi nhuận liên tục và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương trong thời gian này. Tính đến thời điểm cuối năm 2013, lợi nhuận của OceanBank là 232 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Ngân hàng bị bắt, OceanBank bắt đầu bộc lộ những yếu kém, sai phạm. Chỉ trong 6 tháng kể từ ngày ông Thắm bị bắt, đến cuối quý 1/2014, Ocean Bank đã trải qua ba lần thay đổi Chủ tịch HĐQT và đối mặt bối cảnh vốn điều lệ mang danh 4,000 tỷ đồng nhưng tổng nợ xấu tới gần 15,000 tỷ (chiếm 49.84%). Lúc này, OceanBank lỗ trước thuế hơn 10,000 tỷ đồng (tức là âm vốn chủ sở hữu gần 2.5 lần).
Trong một bài viết trên VnEconomy ngày 25/04/2016, ông Nguyễn Văn Bình khi đó còn là Thống đốc NHNN cho biết, từ cuối năm 2011, NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại OceanBank. Cơ quan này đã tạo điều kiện và cơ hội để Ngân hàng khắc phục. Tuy nhiên, qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại OceanBank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, NHNN phải dùng biện pháp quyết liệt để xử lý Ngân hàng này, cũng như ngăn chặn khả năng rủi ro lan ra hệ thống.
Gần đây nhất, theo thông tin từ báo chí, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây vào ngày 03/10/2017, KTNN cho biết sau 2 năm được NHNN mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng trên vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng, nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm hàng ngàn tỷ đồng.
Nhưng biện pháp xử lý tiếp theo với 3 nhà băng 0 đồng này như thế nào vẫn chưa có lối đi. Trước đó, tại phiên thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng với Quốc hội vào giữa tháng 9/2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hiện phương án xử lý cuối cùng đối với các ngân hàng 0 đồng vẫn còn lúng túng vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ. Dù NHNN trình đi trình lại phương án xử lý rất nhiều lần, nhưng Chính phủ chưa thể thông qua vì không có quy định trong luật, nên Chính phủ không đủ cơ sở để quyết định.
Trong một phương diện liên quan đến phá sản ngân hàng, cũng sau nhiều buổi thảo luận và giải trình của Thống đốc Lê Minh Hưng về dự thảo bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, luật cho phép ngân hàng phá sản hiện tại đang chờ được thông qua.
Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Chính phủ là người phê duyệt phương án phá sản ngân hàng. Ông đề nghị Quốc hội xem xét đưa chủ trương phá sản ngân hàng vào luật như một giải pháp cuối cùng khi các giải pháp khác như tái cơ cấu nhằm phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, giải thể; chuyển giao toàn bộ không phát huy tác dụng. Khi xây dựng phương án phá sản, ông Hưng cho hay, theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đánh giá kỹ lưỡng việc phá sản đối với việc an toàn của toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn với toàn nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Trong một buổi phỏng vấn với báo chí sáng ngày 20/07/2017 , ông Bùi Huy Thọ - Vụ trưởng vụ quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng (Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng- NHNN) cho biết, OceanBank đang được một ngân hàng châu Á thực hiện rà soát đặc biệt. Còn với GPBank và VNCB, ông Thọ cho biết: “Hiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đặt vấn đề bước đầu để tham gia tái cơ cấu, mua lại các ngân hàng 0 đồng này. NHNN đồng ý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các ngân hàng này để có thêm thông tin bước đầu và đánh giá các bước tiếp theo”. |
Thu Phạm