Vietstock - "Làm mới" quan hệ doanh nghiệp FDI và trong nước
Làm thế nào để nâng cao mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên, làm mới mối quan hệ này vẫn là trăn trở.
Hình minh hoạ, nguồn Internet.
|
Năm 2014, số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Sam Sung chỉ dừng ở con số 4 thì năm 2017 đã có 19 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cho Sam Sung và tỷ lệ nội địa hoá đạt 57%. Dự kiến đến năm 2020, số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Sam Sung sẽ đạt con số là 50 doanh nghiệp.
Chưa như mong muốn
Ngoài ra, cũng phải kể đến kế hoạch hợp tác giữa một số doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng và xây dựng mạng lưới hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn khác như LG, bên cạnh Sam Sung.
Theo kết quả điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Từ phía các doanh nghiệp FDI, theo thống kê, có khoảng 26,6% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam.
Có được điều này phải kể đến những chính sách thu hút đầu tư FDI, cụ thể là Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, những mạng lưới và chuỗi cung ứng kể trên chưa như kỳ vọng của Chính phủ nhằm cải thiện mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của khu vực đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, mối liên kết này chưa như mong muốn, đặc biệt là trong chuyển giao công nghệ và xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu”.
Doanh nghiệp nội thiếu chủ động
Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho tác động lan toả của FDI chưa như mong đợi đó chính là các chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy mối liên kết chưa được thực thi tốt và hiệu quả.
Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, ở cấp độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thật sự chủ động trong việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ để tham gia liên kết với khu vực doanh nghiệp FDI”.
Cũng theo ông Khôi, vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong việc tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh để nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận những doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị.
Chính sách đầu tư nước ngoài không tự động tạo ra liên kết và thúc đẩy việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước. Các chính sách đầu tư nước ngoài sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, chỉ được thực hiện song hành với các chính sách khác về thương mại, phát triển và đào tạo kỹ năng lực lượng lao động cùng với hỗ trợ cải thiện khung và năng lực thể chế.
Ngoài ra, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, bên cạnh việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn yếu và thiếu.
Giải pháp tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là đẩy mạnh thực thi các chính sách, giải pháp được ban hành thời gian qua về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương lại cho rằng: "Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, với các chính sách hỗ trợ phù hợp, cắt giảm chi phí doanh nghiệp, thì Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn trong chuỗi giá trị với doanh nghiệp FDI".
Ngọc Hà