Vietstock - Lãi trước thuế 6 tháng đầu năm Agribank tăng 37%, nợ xấu hơn 20,100 tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng tài sản của Agribank ghi nhận gần 1.2 triệu tỷ đồng, đáng chú ý tiền gửi khách hàng của Agribank tăng 4% so với đầu năm, vượt mức 1.05 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 92% tổng nợ phải trả. Lợi nhuận trước và sau thuế Agribank đạt lần lượt 3,796 tỷ đồng và 3,042 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố BCTC riêng giữa niên độ năm 2018. Hầu hết thu nhập ở tất cả các mảng hoạt động của Agribank trong bán niên 2018 đều cải thiện so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần đạt 19,132 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Xếp sau "nồi cơm chính" thu nhập lãi thuần, đóng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh trong năm của Agribank là thu nhập khác khi tăng đến 59% so với cùng kỳ lên 2,680 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc thu nợ gốc và lãi của các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Ngoài ra, lãi thuần từ dịch vụ đạt 1,611 tỷ đồng (tăng 27%), lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và vàng đạt 384 tỷ đồng (tăng 11%).
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tăng 24% so với cùng kỳ đạt 14,199 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng gần 20% từ mức 8,658 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 10,403 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận trước thuế của Agribank chỉ còn 3,796 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh giữa niên độ 2018 của Agribank. Đvt: Tỷ đồng
|
Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2018 lại âm gần 15,526 tỷ đồng do tăng các khoản cho vay khách hàng, sử dụng nguồn dự phòng để bù đắp tổn thất các khoản chứng khoán, tín dụng, đầu tư dài hạn. Song song đó, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư cũng âm gần 162 tỷ đồng.
Tính đến 30/06/2018, tổng tài sản của Agribank ghi nhận gần 1.2 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm gần 84% so với đầu năm chỉ còn 4,158 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay các TCTD khác cũng giảm 43% chỉ còn 41,954 tỷ đồng, chủ yếu do cấp tín dụng cho TCTD khác giảm 75% còn 13,242 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6% đạt 925,218 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi khách hàng của Agribank tăng 4% so với đầu năm, vượt mức 1.05 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 92% tổng nợ phải trả của nhà băng này.
Xét ở 4 "ông lớn" gốc Nhà nước, Agribank có cơ cấu huy động vốn cao nhất và sư nợ cho vay xếp thứ nhì, chủ yếu tập trung từ các phân khúc khách hàng ở nông thôn và đây cũng được xem là nguồn cung và nguồn thu bền vững của Agribank. Tuy nhiên, Agribank lại có lợi nhuận thấp nhất trong 4 ngân hàng, xếp sau VCB (8,017 tỷ đồng), CTG (5,266 tỷ đồng) và BID (5,037 tỷ đồng).
So sánh quy mô của 4 Ngân hàng gốc Nhà nước (Đvt: Tỷ đồng)
|
Tính đến thời điểm 30/06/2018, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Agribank là 2.18%, tăng nhẹ so với mức 2.05% hồi đầu năm, nợ xấu tăng 12% chiếm 20,162 tỷ đồng. Cũng trong báo cáo bán niên, Agribank đang nắm giữ 25,198 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành (dự phòng hơn 15,600 tỷ đồng), ngoài ra còn có 170 tỷ đồng trái phiếu DATC.
Chất lượng nợ vay bán niên 2018 của Agribank. Đvt: Tỷ đồng
|
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2018, Agribank cũng đã thu về 23,100 triệu đồng lãi trái phiếu Chính phủ đặc biệt, qua đó tăng vốn điều lệ từ 30,354 tỷ đồng hồi đầu năm lên 30,378 tỷ đồng.
Ngoài các công ty con sở hữu 100% như Công ty cho thuê tài chính I Ngân hàng Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty cho thuê tài chính II Ngân hàng Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai tác tài sản Agribank,... Tính đến 30/06/2018, Agribank còn góp 51% vốn vào Công ty TNHH Liên doanh Quản lý đầu tư Agribank - VGFM và 23% vào CTCP Du lịch Thương mại và Nông nghiệp Việt Nam.
Hàn Đông