Vietstock - Bộ Tài chính xác nhận đã bỏ đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế
Trong dự thảo mới nhất Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính công bố, đề xuất trao quyền điều tra cho cán bộ thuế được nêu ra trong các dự thảo trước đã được bãi bỏ.
Thay vào đó, dự thảo mới nêu rõ trường hợp kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Cơ quan quản lý thuế chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra trong việc thực hiện điều tra tội phạm về thuế theo quy định của pháp luật.
Dự thảo mới cũng bổ sung quy định thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế khi có vi phạm về trình tự, thủ tục thanh tra; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra…
Trước đó, trong bản dự thảo được công bố hồi đầu tháng 7, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Theo đó, thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế như: Xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bộ Tài chính cũng đề xuất khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Khi đó, phía Bộ Tài chính đã đưa ra quan điểm, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Song, tỉ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán...
Theo ban soạn thảo dự thảo luật, cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ. Điều này dẫn tới việc truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời, tác dụng răn đe hạn chế.
Bởi vậy, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế.
Tuy nhiên, đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế đã vấp phải sự phản đối dữ dội của giới chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp…, đa phần cho rằng việc này sẽ gây phiền hà cho doanh nghiệp và dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền của cán bộ thuế. Do đó, tại dự thảo mới nhất, những quy định trên đã không còn trong bản dự thảo mới nhất vừa được Bộ Tài chính công bố cuối tháng 7.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, xác nhận nội dung về điều tra thuế trong bản dự thảo mới nhất đã được loại bỏ. Hiện, ban soạn thảo vẫn tiếp tục tiến hành các bước hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét.
Dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thứ 2 năm 2018); trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp thứ nhất năm 2019) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 hoặc từ ngày 1-7-2020. |
Phương Nhung - Minh Chiến