Vietstock - Thị trường mới nổi lại có thêm một tháng đen tối
Tháng 8 bỗng trở nên ảm đạm đối với các tài sản trên thị trường mới nổi khi đà lao dốc của đồng Peso (Argentina) và đồng Lira (Thổ Nhĩ Kỳ) làm dấy lên nỗi lo sợ lây lan ra cả thế giới và giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Đồng tiền của các nước thuộc chỉ số MSCI thị trường mới nổi đã giảm 2.2% trong tháng 8/2018, đánh dấu 5 tháng giảm liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 9/2015. Đồng Rand của Nam Phi ghi nhận tháng 8 tồi tệ nhất trong lịch sử, còn đồng Lira phục hồi trong ngày thứ Sáu (31/08) khi Thổ nhĩ Kỳ nâng thuế đánh trên tiền gửi bằng USD. Ở châu Á, đồng Rupiah của Indonesia rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, còn đồng Rupee của Ấn Độ ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong 3 năm và cũng lập mức thấp kỷ lục.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư – bao gồm cả BlackRock và Pacific Investment Management – đã xem đà giảm ở các thị trường mới nổi là một cơ hội mua vào các cổ phiếu có khả năng hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế mạnh của những nước này. Thế nhưng, kế hoạch thu gom cổ phiếu của thị trường mới nổi trong tháng này có vẻ như không hiệu quả, khi cổ phiếu ở các nước phát triển liên tục tăng giá nhờ lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan (điển hình là Mỹ).
“Cơn thống khổ” mới nhất bắt nguồn từ Argentina. Đồng Peso của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục, qua đó buộc các nhà hoạch định chính sách nâng lãi suất chuẩn lên mức 60%, cao nhất trên thế giới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, thông tin Phó Thống đốc NHTW chuẩn bị từ chức đã khiến đồng Lira rơi rụng. Góp phần gây tổn thương thêm tới tâm lý nhà đầu tư là thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ tiến tới kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay trong tuần tới.
Nỗi lo về sự lây lan
“Các vấn đề của Argentina có lẽ sẽ khiến nhà đầu tư chú tâm hơn tới các thị trường mới nổi có các yếu tố cơ bản yếu hơn, qua đó dẫn tới làn sóng bán tháo ở những quốc gia này như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ”, Koji Fukaya, Giám đốc điều hành tại FPG Securities Co. ở Tokyo, cho hay. “Các tài sản của Argentina không có khả năng sớm phục hồi chỉ với sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì không có bất kỳ sự cải thiện nào về yếu tố cơ bản ở quốc gia này”.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ mới nhất ở Argentina làm gia tăng thêm những yếu tố tiêu cực cho các thị trường mới nổi, có thể kể đến như sự chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ, khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu, các lệnh trừng phạt của Mỹ và bất ổn chính trị ở những nơi như Brazil.
Đồng Rupiah rơi xuống mức 14,750 đổi 1 USD, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, còn đồng Rupee của Ấn Độ thì phá mốc 71 đổi 1 USD.
* Đồng Peso của Argentina đã giảm… 108% so với đồng USD trong năm 2018
Châu Á cần phải chống lại tâm lý tự mãn, nhất là đối với những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai và tài khóa, các chiến lược gia ở DBS Group Holdings cho biết trong một báo cáo. “Khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang có khả năng chuyển thành cuộc chiến thương mại toàn diện, khu vực châu Á có khả năng rơi vào tình trạng thoái vốn hỗn loạn, qua đó có thể dẫn tới bất ổn tài chính, nhất là ở những quốc gia có nợ nước ngoài cao”, các chuyên viên phân tích ở DBS cho hay.
Trong tháng 8/2018, đồng Rand của Nam Phi giảm gần 10%. Trong khi đó, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp sau khi Chính phủ nâng thuế đánh trên tiền gửi bằng đồng USD có kỳ hạn tới 1 năm và xóa bỏ mức thuế 10% lên các tài khoản tiền gửi bằng đồng Lira có kỳ hạn dài hơn 1 năm.
Không chỉ có các đồng tiền đang “chịu trận” trong tháng này, mà cổ phiếu cũng thế. Một chỉ số theo dõi cổ phiếu của các thị trường mới nổi đã mất hơn 3%, còn chỉ số theo dõi trái phiếu Chính phủ định danh bằng đồng nội tệ ở các thị trường mới nổi của Bloomberg Barclays mất hơn 2%.
Một số chuyên viên phân tích cho rằng, châu Á vẫn còn là kênh trú ẩn khi xét tới các yếu tố kinh tế cơ bản mạnh.
Đồng Peso của Argentina đã rớt 29% so với đồng USD trong tháng này, và trở thành đồng tiền có thành quả tệ nhất trong số các đồng tiền của các thị trường mới nổi lớn. Kế đó là đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ với mức lao dốc 25%.Trong khi đó, đồng Bath của Thái Lan và đồng Won của Hàn quốc lại tăng tương ứng 1.7% và 0.5% trong tháng 8/2018.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)