Vietstock - Phương án tăng giá điện có thuộc 'bí mật nhà nước'?
Nhiều thông tin trong lĩnh vực điện, xăng dầu được Bộ Công thương đưa vào danh mục tài liệu ở mức độ... mật với mục tiêu giúp ngành công thương thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.
Thay đường dây điện trên quốc lộ 13, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
|
Trong công văn xin ý kiến góp ý dự thảo danh mục bí mật nhà nước ngành công thương vừa được gửi tới các địa phương và bộ ngành, nhiều thông tin trong lĩnh vực điện, xăng dầu được Bộ Công thương đưa vào danh mục tài liệu ở mức độ... mật.
Trong 30 danh mục được ngành công thương đưa ra, lĩnh vực năng lượng và giá cả hàng hóa..., có rất nhiều thông tin cần đưa vào diện "mật"!
Chẳng hạn với quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, Bộ Công thương cho rằng báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu và giá điện chưa công bố... đều thuộc diện "mật", với mục tiêu giúp ngành công thương thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.
Tuy nhiên, các nội dung này đã gây ra nhiều tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến phản đối. Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.
"Việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể" - VCCI khẳng định, đồng thời đề nghị cần được công khai phương án giá điện ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành.
Ngoài ra, các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chủ tịch Hội thẩm định giá - cho rằng việc đưa thông tin vào diện mật nhằm hạn chế tiết lộ thông tin ra bên ngoài, đặc biệt là những thông tin có thể làm cho thị trường diễn ra không bình thường khi tình trạng đầu cơ, móc ngoặc cơ quan quản lý để găm hàng, doanh nghiệp trục lợi.
"Trong khi đó, điện là sản phẩm tiêu dùng không có tồn kho, sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên khó có thể có tình trạng đầu cơ tích trữ. Do đó, giá điện cần phải thực hiện công khai theo Luật giá, Luật điện lực và không nên đóng dấu mật", ông Thỏa nói.
Riêng với mặt hàng xăng dầu, theo ông Thỏa, có thể cân nhắc, xem xét ở mức độ nào đó về quản lý thông tin bởi nếu biết trước phương án điều hành giá có thể đầu cơ, găm hàng, gây nên sự khan hiếm và hỗn loạn trên thị trường, nhất là khi thị trường này có sự tham gia của nhiều đầu mối, với hàng nghìn cửa hàng.
Một lãnh đạo Cục Quản lý giá lại cho rằng các báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu và giá điện chưa công bố... được vào danh mục mật là hợp lý.
Bởi xăng dầu và điện là những mặt hàng đầu vào của sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân, thị trường phản ứng khá nhạy cảm mỗi khi có thông tin điều chỉnh giá các mặt hàng này.
Chẳng hạn, phương án tăng giá xăng dầu có thể khiến giá một số mặt hàng khác tăng theo, cũng không loại trừ có tình trạng cây xăng găm hàng để chờ tăng giá. Do đó, việc tính toán phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cần được bí mật.
Tương tự, phương án tăng giá điện cũng không thể công khai bởi mỗi khi điều chỉnh giá điện, EVN phải cân nhắc đề xuất các phương án rồi báo cáo Bộ Công thương để trình Chính phủ, trước khi phương án điều chỉnh hoặc mức giá được công bố.
Theo vị này, khi phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá còn đang bàn thảo thì cần được giữ bí mật để đảm bảo ổn định thị trường vì xăng dầu, điện là những mặt hàng nhạy cảm, tác động đến giá nhiều mặt hàng khác.
Ngọc An - Lê Thanh