Vietstock - Thương vụ tỷ USD biến mất, M&A toàn cầu thấp nhất từ 2013
Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2004, không có thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nào trị giá hơn 1 tỷ USD được công bố trên toàn thế giới trong tuần trước, số liệu của nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho thấy.
Sự khan hiếm của các thương vụ lớn bắt nguồn từ việc các quốc gia trên toàn thế giới đóng cửa phần lớn các khu vực của nền kinh tế để chống chọi với đại dịch virus corona.
Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị của các thương vụ M&A toàn cầu giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 762.6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Tổng số thương vụ M&A cũng giảm 20% so cùng kỳ.
“Chúng tôi dự báo sẽ có ít thương vụ được ký kết trong quý này khi các bên cần nhiều thời gian hơn để vượt qua tác động của đại dịch Covid-19”, nhận định của Robert Wright, luật sư cấp cao tại Tập đoàn M&A châu Á - Thái Bình Dương của công ty luật Baker McKenzie.
“Tuy nhiên, nơi nào mà các bên hoàn tất quá trình thẩm định giá trị doanh nghiệp và nơi nào các yếu tố cơ bản vẫn còn mạnh thì chúng tôi kỳ vọng số lượng các thương vụ này sẽ gia tăng trở lại”.
Các công ty đã và đang rút khỏi những thương vụ đã công bố do sự thay đổi của các điều kiện thỏa thuận và mức độ bất ổn cao. Công ty Alimentation Couche-Tard Inc của Canada hôm thứ Hai cho biết sẽ ngừng thương vụ mua lại nhà điều hành các trạm xăng dầu Caltex Australia Ltd với giá 5.6 tỷ USD khi nhu cầu năng lượng sụt giảm và các công ty hướng nội để vượt qua khủng hoảng”.
Các nhà điều hành toàn cầu cũng đã siết chặt các quy định đầu tư nước ngoài để bảo vệ tài sản quốc gia. Tuần trước, Ấn Độ ra quy định các khoản đầu tư của một thực thể từ một quốc gia có chung biên giới với nước này cần phải có sự chấp thuận của Chính phủ để ngăn chặn các thương vụ M&A mang tính cơ hội.
Australia và Đức cũng tăng cường việc giám sát nhà đầu tư nước ngoài.
Trước tình trạng các thương vụ lớn chủ yếu đã tạm dừng do người mua đang đợi để đánh giá tác động thực sự của đại dịch, các nhà giao dịch đang tìm kiếm các thương vụ khác liên quan đến các doanh nghiệp cần giải cứu, tái cơ cấu và nhiều khả năng là quốc hữu hóa khi Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các nỗ lực để phục hồi từ đà suy thoái do virus có thể hỗ trợ cho hoạt động M&A.
Khoảng 56% trong số hơn 2,900 giám đốc điều hành tham gia cuộc khảo sát toàn cầu của Hãng tư vấn EY đang có kế hoạch M&A trong 12 tháng tới khi họ cần phải vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại để đảm bảo đà tăng trưởng dài hạn, EY cho biết trong báo cáo tháng 3.
“Nếu có bất kỳ đợt suy thoái kéo dài nào do cuộc khủng hoảng hiện tại, các giám đốc điều hành có thể gia tăng tham vọng của mình và muốn gom các tài sản này với hy vọng có thể giúp họ tăng tốc nhanh hơn”, báo cáo cho biết.
Tuệ Nhiên (Theo Reuters)